a vĂn phÒng chÍnh phỦ cỤc kiỂm soÁt thỦ tỤc hÀnh...

29
a VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ CỤC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ĐIỂM BÁO Ngày 09 tháng 5 năm 2017

Upload: others

Post on 02-Sep-2019

2 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

a

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

CỤC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

ĐIỂM BÁO

Ngày 09 tháng 5 năm 2017

Bộ, ngành

1. Thủ tục hành chính vẫn ám ảnh doanh nghiệp

2. 20 ngàn viên thuốc ung thư hết date trong một quy trình có khi vẫn đúng

3. Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc: Điển hình về nhiêu khê, chậm trễ TTHC

4. Thời gian làm thủ tục mua hóa đơn GTGT rút ngắn còn 2 ngày

5. Doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về tìm hiểu pháp luật hải quan

6. Đã phân cấp thẩm định dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách

7. Kiến nghị về nộp Mẫu 06/GTGT: Bộ Tài chính sẽ cắt giảm thủ tục

8. Đóng tàu bằng vật liệu PPC bị Cục Đăng kiểm Việt Nam “cản” như thế nào?

Địa phương

9. Kiểm tra đột xuất thái độ, tác phong cán bộ tiếp dân

10. Vũng Tàu có nhóm kiểm soát container Liên Hiệp Quốc

11. Công tác cải cách hành chính: Khắc phục dần những hạn chế

1. Thủ tục hành chính vẫn ám ảnh doanh nghiệp

Chiều 8/5, tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính

phủ với doanh nghiệp năm 2017, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm

Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, chủ đề của hội nghị năm

nay là “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Điều này thể hiện quyết

tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ,

hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất

nước.

Các doanh nghiệp đến kê khai và nộp thuế tại chi cục thuế quận 3 TPHCM.

Số lượng doanh nghiệp tham gia đông kỷ lục

Theo ông Lê Mạnh Hà, hội nghị sẽ diễn vào ngày 17/5 tại Trung tâm

Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tham dự trực tiếp hội nghị có khoảng

2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016), trong đó khối doanh nghiệp dân

doanh khoảng 1.500 đại biểu, còn lại là đại biểu từ khối doanh nghiệp

có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước và

doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài

chính lớn... Hội nghị cũng được thực hiện qua hình thức trực tuyến ở

63 tỉnh, thành phố…

Nhìn lại kết quả sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, ông Vũ Tiến Lộc,

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết,

qua khảo sát có đến 75% doanh nghiệp đánh giá tích cực, còn lại là

đánh giá sự chuyển biến còn hạn chế. “Dù còn không ít khó khăn, nhưng

đánh giá chung, các doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh năm

2016 có khởi sắc hơn, niềm tin triển vọng kinh doanh tốt hơn so với

2015. Doanh nghiệp đánh giá cao sự tích cực của các cấp, ngành trong

cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Lộc nói.

Về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đối với Chính phủ đặt

ra từ hội nghị năm 2016, ông Lộc cho hay, phần lớn các kiến nghị nêu từ

2016 đã được giải quyết. Đối với kiến nghị năm 2017, theo ông Lộc, đến

nay VCCI nhận được 200 kiến nghị mới và chuyển cho các bộ ngành,

địa phương xem xét giải quyết. Các kiến nghị tập trung vào các nội dung

như kiến nghị giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic... Các

doanh nghiệp cũng kiến nghị vẫn bị thanh tra, kiểm tra nhiều, thậm chí

có doanh nghiệp phải “tiếp” 5- 6 đoàn thanh tra, kiểm tra/năm.

Doanh nghiệp vẫn “ngán” thủ tục hành chính

Đề cập đến vai trò của kinh tế tư nhân, ông Lộc cho rằng cuộc gặp hằng

năm của Chính phủ đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết nhằm tạo

sự thay đổi và chuyển nhận thức một cách đầy đủ về khu vực kinh tế tư

nhân trong các cấp lãnh đạo, nhất là ở cơ sở, từ đó chuyển biến thành

hành động là hết sức cần thiết. Về “điểm nhấn” trong hội nghị năm nay,

ông Lộc cho rằng, hiện các địa phương đang sốt sắng thúc đẩy tăng

trưởng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhưng cần tránh nhà nước

can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường...

“Chính phủ kiến tạo chứ không làm thay cho thị trường”, ông Lộc nói.

Ông Lê Mạnh Hà cũng cho rằng, đối với thị trường không nên sử dụng

các biện pháp hành chính mà cần sử dụng công cụ thị trường. “Tình

trạng được mùa thì rớt giá thực ra cũng là quy luật cung - cầu của thị

trường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có giải pháp tốt hơn, có thị trường

hoàn chỉnh để không phải lo những việc giải cứu”, ông Hà nói.

Đề cập đến vụ việc 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư bị tiêu huỷ xảy ra ở

Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Tiến Lộc

nhận xét: “Đây là đỉnh cao của hành vi vô cảm, thiếu trách nhiệm”. Thực

tế theo ông Lộc, đó chỉ là vụ điển hình thôi, còn hành vi đó đang diễn ra

hàng ngày, hàng giờ ở nước ta với nhiều mức độ khác nhau. Đôi khi

doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa vì chờ đợi giải quyết thủ tục hành

chính. Sự chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính có thể đẩy doanh

nghiệp đến sự thua lỗ, phá sản. “Mất một ngày là doanh nghiệp mất hợp

đồng, mất đối tác và bị phạt. Vì thế vụ việc 20.000 viên thuốc là ví dụ

mang tính cảnh báo lớn đối với đội ngũ công chức, làm sao làm việc có

tinh thần trách nhiệm hơn đối với doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Đề cập đến vụ việc 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư bị tiêu hủy xảy ra ở

Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Tiến Lộc

nhận xét: “Đây là đỉnh cao của hành vi vô cảm, thiếu trách nhiệm”. Thực

tế theo ông Lộc, đó chỉ là vụ điển hình thôi, còn hành vi đó đang diễn ra

hàng ngày, hàng giờ ở nước ta với nhiều mức độ khác nhau.

Theo tienphong.vn

2. 20 ngàn viên thuốc ung thư hết date trong một quy trình có khi vẫn đúng

Phẫn nộ! Bất bình! Giận dữ... Không còn từ ngữ nào đủ để miêu tả

cảm xúc thái độ sau khi đọc một bản tin trên báo mấy ngày qua.

Bản tin ấy cho hay, chỉ vì thủ tục hành chính, lô 20.000 viên thuốc

điều trị ung thư đã "hết date" trong khi các bệnh nhân của căn bệnh

hiểm nghèo này chết dần chết mòn trong chờ đợi.

GĐ BV huyết học và truyền máu TPHCM Phù Chí Dũng. (Ảnh TPO)

Sự việc tóm tắt như sau: Tổ chức The Max Foundation-Mỹ và Công

ty Novartis Pharma Services AG-Thụy Sỹ hỗ trợ cho các bệnh nhân VN

mắc bệnh ung thư máu 20 nghìn viên Tasigna 200mg, loại thuốc đặc trị

ung thư với tổng giá trị khoảng 14 tỉ đồng.

Xin hãy chú ý các mốc thời gian:

Tháng 7.2013, nhà tài trợ sản xuất xong và gửi thư tặng thuốc.

Tháng 8.2013, Viện Huyết học và truyền máu TPHCM gửi dự trù thuốc

dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 cho Cty Novartis Việt Nam.

3 tháng sau, bệnh viện này mới có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin

được tiếp nhận thuốc viện trợ.

Ngày 27.12.2013, Cục Quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành cho

lô thuốc Tasigna của Công ty Novartis Pharma có hạn dùng 24 tháng.

Cuối tháng 12.2013, bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM xin chấp

nhận cho bệnh viện thực hiện chương trình thuốc Tasigna.

Tháng 3.2014 (tức là 3 tháng sau), Sở Y tế mới có văn bản gửi UBND

TPHCM xin chấp nhận cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng trên.

Mất thêm 3 tháng sau, UBND TPHCM mới có quyết định phê duyệt việc

tiếp nhận lô hàng viện trợ.

Đến ngày 14.7.2014, Cục Quản lý dược có văn bản đồng ý để bệnh viện

tiếp nhận lô thuốc này.

Nhưng vẫn chưa hết, đến lúc này, số thuốc bị Hải quan TPHCM ách lại.

Lý do phía hải quan đưa ra là thuốc này khi đến cảng Việt Nam đã

không có hạn bằng 1/3 hạn dùng của thuốc. Sau những rắc rối được giải

quyết, đến giữa tháng 8.2014 thuốc mới về đến bệnh viện.

Nhưng vẫn chưa hết, theo ông Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện

Truyền máu và Huyết học TPHCM: Sau khi thuốc về, người bệnh phải

làm các thủ tục bắt buộc để tham gia, đến ngày 27.9.2014, người bệnh

mới được nhận toa thuốc đầu tiên.

Kết quả chót: Thời điểm được tài trợ tháng 7.2013, bệnh viện đang có

200 bệnh nhân điều trị bệnh bạch cầu tuỷ đang khát thuốc điều trị. Đến

9.2014, chỉ còn 26 bệnh nhân tham gia trong gần 200 người.

Những người còn lại đâu rồi?

Với giá 700 ngàn đồng x 4 viên thuốc cho 1 ngày điều trị, rất nhiều trong

số đó đã "bỏ", đã "không còn tham gia điều trị" - lời Giám đốc Bệnh viện.

Theo Tiền Phong, trong thời gian chờ các thủ tục cấp phép được nhập

thuốc về, đã có khoảng 10 bệnh nhân mắc bệnh trên tử vong vì không

có thuốc điều trị.

Xin mách thêm: 20.000 thuốc hết date giờ đang chờ... tiêu hủy!

Nếu bạn còn nghi ngờ, tôi xin nói ngay, đây là kết luận của Thanh tra

TPHCM.

Chúng ta đã có quá nhiều ví dụ sinh động về hậu quả của thủ tục hành

chính, nhưng lần này thủ tục đến độ hết date cả thuốc cứu người thì

đúng là khô lời, cạn lời!

Có thể, ngay sau scandal khủng khiếp này sẽ là giải trình nối tiếp thanh

minh, để rồi tất cả đều... đúng quy trình, tất cả đều sẽ lại xin rút sợi dây

kinh nghiệm.

Không lẽ chúng ta lại cứ phải kiếm một chiếc "mũ ni" để tiếp tục bình

thản và dửng dưng chấp nhận những sự thật như thế này chăng?!

Theo laodong.com.vn

3. Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc: Điển hình về nhiêu khê, chậm trễ TTHC

Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự giải quyết thủ tục hành chính

(TTHC) còn nhiêu khê, vòng vo, gây thiệt hại về kinh tế.

Liên quan đến vụ việc tiêu hủy gần 20.000 viên đặc trị ung thư, Tổng cục

Hải quan vừa lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng lô thuốc vì cơ quan hải

quan kéo dài thời gian làm thủ tục. Tuy nhiên, trong khi thủ tục hải quan

được rút ngắn thì vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, máy móc, chậm trễ của

các cơ quan nhà nước dẫn đến lãng phí, thiệt hại về kinh tế và bức xúc

trong dư luận.

Tổng cục Hải quan cho biết việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít

khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo

dài thời gian làm thủ tục. Vì lý do nhân đạo, cơ quan Hải quan vẫn

nhanh chóng thông quan lô hàng trong 1 ngày kể từ ngày đăng ký tờ

khai hải quan. Cơ quan hải quan đã thực hiện theo quy định và ý kiến

của cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Quản lý dược - Bộ Y tế) về thời

hạn còn lại của thuốc khi đến cảng Việt Nam.

Mặc dù thủ tục hải quan được rút ngắn, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục

rườm rà, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cách máy móc, chậm

chạp của các cơ quan nhà nước dẫn đến hậu quả lãng phí, ảnh hưởng

đến cơ hội được chữa trị của người bệnh.

Trước đó, Thanh tra TP HCM đã có kết luận thanh tra về vụ việc tiêu hủy

gần 20.000 viên thuốc điều trị ung thư quá hạn sử dụng. Theo đó, năm

2014 và 2015, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM nhận viện trợ,

tài trợ bằng thuốc, hiện vật và tiền của một số đơn vị trong và ngoài

nước, trong đó có lô thuốc gần 35.000 viên. Do quá trình lập thủ tục xin

tiếp nhận lô thuốc viện trợ kéo dài hơn 13 tháng nên đến thời điểm nhập

kho, hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng. Điều này dẫn đến bệnh viện còn tồn

gần 20.000 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí gần 14 tỷ

đồng.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự giải quyết thủ tục hành chính còn

nhiêu khê, vòng vo, dẫn đến thời gian giải quyết quá dài, gây thiệt hại về

kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt

Nam (VCCI) nhận định: Đây là một hành vi điển hình của sự vô cảm,

thiếu trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực tế còn rất

nhiều hành vi liên quan đến thủ tục hành chính khác xảy ra hàng ngày,

hàng giờ gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp

“Vụ việc lô thuốc này là đỉnh cao của hành vi hành chính vô cảm, gây tác

động lớn. Thực ra đây chỉ là 1 điển hình, chứ còn nhiều vụ việc đang

diễn ra ở các mức độ khác nhau. Doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.

Sự chậm trễ về thời gian có thể quyết định sự tồn tại hay phá sản của

một doanh nghiệp. Nhanh được 1 ngày thì có hợp đồng, chậm 1 ngày thì

doanh nghiệp có thể bị mất hợp đồng, bị phạt. Đây cũng là cảnh báo đối

với cán bộ công chức làm sao để làm việc với trách nhiệm cao hơn với

người dân và doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nói./

Theo vov.vn

4. Thời gian làm thủ tục mua hóa đơn GTGT rút ngắn còn 2 ngày

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp theo tinh thần

Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ, thủ tục đề nghị tự in, đặt in,

mua hóa đơn đã rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc.

Việc giải quyết thủ tục mua, tự in hóa đơn của doanh nghiệp giảm chỉ

còn 2 ngày làm việc. Ảnh: NM.

Theo Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ, yêu cầu ngành Thuế phải

rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục tự in, đặt in hóa đơn giá trị gia tăng

(GTGT), không để kéo dài đến 5 ngày như hướng dẫn của Thông tư

39/2014/TT-BTC (hướng dẫn chi tiết Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của

Chính phủ).

Thực hiện chỉ đạo này của Chính phủ, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng

cục Thuế phải chỉ đạo các tỉnh, thành phố giải quyết nhanh việc mua hóa

đơn của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Việc giải quyết này phải thực hiện

ngay trong ngày làm việc; các bộ phận, đơn vị trong cơ quan Thuế phải

nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện thủ tục hành chính về hóa

đơn, không để doanh nghiệp, người dân mất nhiều thời gian về việc này.

Ông Lê Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ (Tổng cục

Thuế) cho biết, để cắt giảm thời gian cho doanh nghiệp trong việc làm

thủ tục mua, tự in hóa theo tinh thần Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính

phủ, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số

37/2017/TT-BTC (có hiệu lực từ 12/6/2017) sửa đổi, bổ sung Thông tư

39/2014/TT-BTC. Theo đó, sau 2 ngày làm việc, cơ quan thuế phải có ý

kiến trả lời doanh nghiệp về điều kiện sử dụng hóa đơn tự in, đặt in.

Trường hợp cơ quan Thuế quản lý trực tiếp không có ý kiến bằng văn

bản, thì doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn đặt in. Thủ trưởng cơ

quan Thuế phải chịu trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản

trả lời doanh nghiệp.

Cũng theo hướng dẫn của Thông tư 37, doanh nghiệp được sử dụng

hóa đơn sau 2 ngày khi gửi thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn

mẫu được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với các thông báo

phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu được lập đúng theo quy định.

Như vậy, theo quy định mới này, thời gian mua hóa đơn, tự in, đặt in hóa

đơn đã giảm đáng kể, điều này sẽ góp phần tạo điều kiện tốt nhất để

doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh được những

phiền hà, mất thời gian không cần thiết về thủ tục mua, in hóa đơn

GTGT./.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

5. Doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về tìm hiểu pháp luật hải quan

Khảo sát mới đây của VCCI với 3.500 doanh nghiệp, đã có 47%

doanh nghiệp cho biết, họ từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm

hiểu pháp luật hải quan.

Tổng cục Hải quan sẽ nhân rộng cơ chế một cửa quốc gia.

Nhiều thủ tục hải quan đã được cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở

cấp độ 3 và 4 và cơ chế một cửa quốc gia cũng đang được triển khai

mạnh mẽ…

Tuy nhiên, theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công

nghiệp Việt Nam (VCCI) được tiến hành với 3.500 doanh nghiệp đánh

giá và phản hồi về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hải quan thì

47% doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ từng gặp vướng mắc trong quá

trình tìm hiểu pháp luật hải quan.

Mặc dù, tỉ lệ này đã giảm đáng kể so với mức 54% của năm 2015 và

việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính của ngành hải quan là tương

đối dễ dàng.

Đại diện VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch nhận định,

ngành hải quan đã có nhiều nỗ lực cải cách quan trọng theo hướng tạo

thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh

những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nói chung, ngành hải quan còn

là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin

trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, các quy định về kiểm tra chuyên ngành còn

nhiều; trong đó, nhiều quy định không phù hợp thực tế. Thời gian kiểm

tra chuyên ngành còn dài, các cơ quan phối hợp chưa tốt trong việc giải

quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Đặc biệt, còn nhiều quy định pháp

luật phức tạp nên mức độ hài lòng với kết quả phản hồi từ các cơ quan

hải quan có sự khác nhau rõ rệt.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, trong quá trình thực hiện thủ tục

kiểm tra sau thông quan, khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp là nội

dung kiểm tra bị chồng chéo, trùng lặp. Thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài

hơn so với kế hoạch đã thông báo cho doanh nghiệp.

Theo baotintuc.vn

6. Đã phân cấp thẩm định dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách

Theo ý kiến của ông Nguyễn Đức Lập (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), thủ

tục lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán; quy trình đầu tư công, thẩm

tra, thẩm định, cấp phép xây dựng,... các công trình vốn ngân sách

là cần thiết, nhưng với các dự án vốn ngoài ngân sách thì thủ tục

này còn nhiêu khê.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông

Lập đề nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, giảm bớt thủ tục hành chính

đối với quy trình đầu tư công, đặc biệt là với các dự án có vốn ngoài

ngân sách, giúp cho các dự án được đẩy nhanh tiến độ.

Đồng thời, nên cho địa phương thay Bộ Xây dựng thẩm định các dự án

có quy mô trên 20 tầng, 5 tầng có quy mô diện tích sàn lớn để tránh gây

tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ý kiến của ông Lập, việc quy định phải xây thô cho các dự

án nhà ở rồi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã vô tình tạo điều

kiện cho các doanh nghiệp không cấp sổ đỏ cho người mua nhà mà đi

cầm cố tại ngân hàng, gây mất quyền sở hữu đất khi mua hoặc chủ đầu

tư bán qua lại cho nhiều người gây tranh chấp. Ông Lập kiến nghị nên

bỏ quy định xây thô mới cấp chủ quyền, cấp sổ đỏ cho các dự án nhà ở

như trước đây và quản lý thông qua quy hoạch được duyệt.

Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng, ông Lập cho rằng thủ tục thẩm

định, lấy ý kiến các Bộ, Sở ngành, người dân,... hiện còn nhiêu khê, tốn

thời gian. Việc các Viện của Bộ Xây dựng được lập, thẩm định quy

hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị,... khiến đồ án không sát thực

tế, phải điều chỉnh nhiều lần, gây chậm, khó cho các đồ án 1/2000, các

dự án đầu tư... ông Lập kiến nghị giao địa phương nhiều quyền hơn về

quy hoạch, Bộ Xây dựng chỉ nên quản lý Nhà nước về tổng thể, thanh

tra, kiểm tra. Chính phủ cũng nên xem xét thêm về Luật Quy hoạch đang

trình vì có nhiều điểm không khả thi...

Ngoài ra, ông Lập góp ý điều chỉnh thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề xây

dựng để tránh thiếu công bằng giữa người giỏi chuyên môn với người

kém chuyên môn nhưng nắm vững luật, người hành nghề lâu năm và

mới, người hành nghề trong nước và nước ngoài, sự độc quyền của các

Viện quy hoạch kiến trúc của Bộ Xây dựng do điều kiện để được cấp

chứng chỉ hành nghề hạng 1, 2, 3...

Về những vấn đề ông Lập kiến nghị, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thực hiện đối

với công trình có quy mô lớn, công trình từ cấp III trở lên có ảnh hưởng

lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường.

Để tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án đối với dự án sử dụng

vốn Nhà nước ngoài ngân sách, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày

5/4/2017 của Chính phủ đã phân cấp cho cơ quan chuyên môn trực

thuộc người quyết định đầu tư hoặc tập đoàn, tổng công ty thẩm định.

Điều 7 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng

quy định về hình thức tiếp nhận hồ sơ theo đường bưu điện và đồng thời

Nghị định số 42/2017/NĐ-CP đã phân cấp thẩm định đối với công trình

có quy mô 25 tầng trở xuống cho các Sở Xây dựng tại địa phương thực

hiện; Nghị định này cũng đã phân cấp thẩm định cho cơ quan chuyên

môn về xây dựng tại địa phương thẩm định các dự án do TP Hà Nội và

TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư.

Về việc cấp chủ quyền của các dự án, công trình, pháp luật về nhà ở và

kinh doanh bất động sản hiện hành không có quy định bắt buộc các chủ

đầu tư dự án phát triển nhà ở phải xây thô nhà ở thì mới được cấp giấy

chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định của pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư dự án được quyền

đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án khi đáp ứng

được các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, theo quy định của pháp luật về nhà ở và đất đai hiện hành thì

chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở được quyền bán nhà ở thương mại

trong dự án cho người mua nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,

quyền sở hữu nhà ở được cấp trực tiếp cho người mua nhà.

Pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý phát triển đô thị hiện hành

đã có quy định cụ thể trong một số trường hợp chủ đầu tư dự án phát

triển nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng cho

người dân để tự xây dựng nhà ở theo đúng quy hoạch và thiết kế được

duyệt.

Lấy ý kiến khi lập quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất

Về thẩm định, lấy ý kiến đối với các đồ án quy hoạch xây dựng, việc lấy

ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình lập quy hoạch là

cần thiết nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, là quyền

lợi và trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.

Việc lấy ý kiến cũng nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các

quy hoạch, chiến lược chuyên ngành và kế hoạch thực hiện của các

ngành.

Theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị, các

Viện nghiên cứu của Bộ không có thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định đồ

án quy hoạch xây dựng. Việc tham gia lập quy hoạch được thực hiện

theo quy định tại Luật Đấu thầu.

Đối với dự thảo Luật Quy hoạch, hiện nay, Bộ Xây dựng đã có văn bản

và đóng góp ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp UBTVQH, hội thảo về nội

dung Luật Quy hoạch và đề nghị xem lại tính khả thi của Luật.

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng: Đã thuận tiện và công

bằng

Về nội dung liên quan đến quy định cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động

xây dựng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 149 Luật Xây dựng năm

2014, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề phải đáp ứng được đồng

thời các điều kiện về trình độ chuyên môn, thời gian và kinh nghiệm

tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ và đã

qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật liên

quan đến lĩnh vực hành nghề.

Việc quy định chứng chỉ hành nghề có hiệu lực trong thời gian 5 năm

theo quy định hiện hành có xét đến yếu tố thay đổi của pháp luật, chính

sách và sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng

dẫn đến cá nhân phải nghiên cứu, cập nhật, bổ sung kiến thức để duy

trì, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động xây dựng.

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, theo quy định tại Điều 149 Luật

Xây dựng năm 2014 đã bao gồm việc phân cấp cho các địa phương và

tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề.

Quy định về chứng chỉ hành nghề bắt buộc đối với các chức danh, cá

nhân hành nghề độc lập theo quy định tại Điều 148 Luật Xây dựng năm

2014.

Việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài hiện

nay thực hiện theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và

Điều 18 Thông tư số 17/2016/TT-BXD. Trường hợp cá nhân hành nghề

hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên, phải chuyển đổi

chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Bộ Xây dựng. Trường hợp

cá nhân nước ngoài chưa được cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp chứng

chỉ hành nghề thì khi có nhu cầu tham gia hoạt động xây dựng tại Việt

Nam phải thực hiện thủ tục sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề như cá

nhân trong nước.

Như vậy, điều kiện để cá nhân là người nước ngoài có được chứng chỉ

hành nghề tại Việt Nam là công bằng với cá nhân trong nước.

Về việc thực hiện thủ tục hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt

động xây dựng, thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015

của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện

việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 3 về cấp chứng

chỉ hành nghề qua mạng Internet.

Như vậy, ngoài việc thực hiện thủ tục thông qua đường bưu điện hoặc

nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp chứng chỉ như trước đây, cá nhân có

thể thực hiện nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục về cấp chứng chỉ

hành nghề qua mạng.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ được quy định theo hướng đơn giản hóa

và tạo điều kiện cho cá nhân thông qua việc nộp đơn kèm theo các tệp

tin chứa bản chụp các tài liệu theo quy định.

Công tác sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay được

quy định theo hướng tạo điều kiện tối đa cho cá nhân khi đăng ký

tham gia sát hạch. Theo đó, việc sát hạch được tiến hành theo tổ

chức, khu vực hoặc địa phương, kết quả sát hạch của cá nhân được

bảo lưu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày sát hạch làm cơ sở đề nghị

cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo baochinhphu.vn

7. Kiến nghị về nộp Mẫu 06/GTGT: Bộ Tài chính sẽ cắt giảm thủ tục

Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng (TP

Hà Nội) đề nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, xóa bỏ quy định

doanh nghiệp phải nộp Mẫu 06/GTGT hoặc gia hạn nộp mẫu này

cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng thành

lập năm 2014 và từ đó đến năm 2016 sử dụng hợp lệ hóa đơn giá trị gia

tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ. Nhưng đến cuối năm 2016

Công ty nhận được thông báo, từ năm 2017 phải chuyển sang sử dụng

hóa đơn theo phương pháp trực tiếp do chậm nộp Mẫu 06/GTGT. Theo

Công ty, đây là thủ tục hành chính rườm rà gây khó cho doanh nghiệp.

Theo thông tin Công ty tìm hiểu thì nhiều doanh nghiệp cũng phàn nàn

về thủ tục này. Công ty cho rằng, chỉ những doanh nghiệp nào muốn sử

dụng theo phương pháp nào hoặc thay đổi thì mới phải gửi thông báo,

còn không thay đổi thì nên cho doanh nghiệp đó tiếp tục sử dụng như

bình thường.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty

TNHH Dịch vụ quảng cáo tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng đề nghị cơ quan

có thẩm quyền rà soát, xóa bỏ thủ tục nêu trên hoặc gia hạn nộp Mẫu

06/GTGT cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát

triển.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại Điều 10 Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 quy định

về phương pháp khấu trừ thuế như sau:

“Điều 10. Phương pháp khấu trừ thuế...

2. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực

hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp

luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ bao gồm:

a) Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng

dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh;

b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ

thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.”.

Tại Khoản 4, Điều 7 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của

Chính phủ quy định phương pháp khấu trừ thuế như sau:

“4. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với:

a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ một tỷ

đồng trở lên từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thực hiện đầy đủ chế

độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán,

hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương

pháp tính trực tiếp quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế là hai năm liên tục.

Bộ Tài chính hướng dẫn cách tính doanh thu làm căn cứ xác định cơ sở

kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và thời

gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế quy định tại Điểm này.

b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ

thuế gồm:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ

bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ

chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật

về kế toán, hóa đơn, chứng từ;

- Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh

đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm

tài sản cố định, máy móc, thiết bị, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước

ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà

thầu phụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu

ra".

Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 119/2013/TT-BTC ngày 25/8/2014 của

Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số

219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính:

“3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC

như sau:

“3. Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ

thuế, bao gồm:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ

bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã

thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hoá đơn, chứng từ theo quy

định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ.

b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh

đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được

cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp

dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc

đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp

luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền

của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng

ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua

sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ,

dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh...

Doanh nghiệp, hợp tác xã hướng dẫn tại điểm a khoản này phải gửi

Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT cho cơ quan

thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 20 tháng 12 của năm trước liền

kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới.

Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm b, c khoản này phải gửi Thông

báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế

quản lý trực tiếp. Khi gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính

thuế GTGT tới cơ quan thuế trực tiếp, cơ sở kinh doanh không phải gửi

các hồ sơ, tài liệu chứng minh như dự án đầu tư được cấp có thẩm

quyên phê duyệt, phương án đầu tư được người có thẩm quyền của

doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt, hóa đơn đầu tư, mua sắm,

hồ sơ nhận góp vốn, hợp đồng thuế địa điểm kinh doanh. Cơ sở kinh

doanh lưu giữ và xuất trình cho cơ quan thuế khi có yêu cầu...".

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo

tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng thành lập năm 2014, đã áp dụng tính thuế

GTGT theo phương pháp khấu trừ từ năm 2014 đến năm 2016 thì đề

nghị Cục Thuế TP Hà Nội xem xét, trường hợp xác định năm 2016 Công

ty có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, Công ty có nhu cầu tiếp tục áp dụng tính

thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ từ năm 2017 thì Cục Thuế

hướng dẫn Công ty nộp Mẫu 06/GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực

tiếp để đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ từ năm

2017.

Về nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo tổng hợp

Nguyễn Huy Hoàng, Bộ Tài chính ghi nhận và đang nghiên cứu sửa đổi,

bổ sung tại các văn bản có liên quan theo hướng cắt giảm thủ tục hành

chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo baochinhphu.vn

8. Đóng tàu bằng vật liệu PPC bị Cục Đăng kiểm Việt Nam “cản” như thế nào?

Khi đưa công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC với các tính năng

vượt trội vào Việt Nam, doanh nghiệp đã bị Cục Đăng kiểm Việt

Nam làm khó, trong khi trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã tạo hành

lang pháp lý ủng hộ công nghệ đóng tàu với các tính năng vượt trội

này.

Hiện nay Bộ GTVT tiếp tục có văn bản “o bế” công nghệ đóng tàu hiện

đại này dưới hình thức hạn chế số người được chở.

PPC long đong đường vào Việt Nam

Với các tính năng vượt trội như: Nhẹ hơn nước, cách âm, cách nhiệt,

không hấp thụ nhiệt, không ngấm nước, không gỉ, chịu nước, kiềm và

muối, không thải ra chất độc hại, đàn hồi tốt, chịu va đập mạnh, có khả

năng chống đâm thủng, chống đạn súng ngắn cách 50 m, độ bền cao

dưới tác động của lực kéo và lực tải, có thể tái chế sau nhiều năm sử

dụng với đầy đủ tính chất cơ lý hóa như ban đầu…, PPC (polypropylene

copolymer) là công nghệ được nhiều nước trên thế giới lựa chọn.

Một chiếc tàu được đóng bằng công nghệ PPC. (ảnh: HC)

Năm 2011 các doanh nghiệp Việt Nam đưa công nghệ vật liệu

polypropylene copolymer (PPC) vào đóng phương tiện thủy.

Khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã “cản” bằng việc không chấp

nhận đăng kiểm với lý do Việt Nam chưa có “Quy chuẩn kỹ thuật” đóng

tàu thuyền PPC.

Trong khi đó, Đăng kiểm Hải quân của Bộ Quốc phòng đã chấp nhận

đăng kiểm trên cơ sở kiểm tra thiết kế, vật liệu và thử nghiệm thực tế đối

với các phương tiện thủy đóng bằng PPC.

Đến nay, hai doanh nghiệp là Cty CP công nghệ Việt Séc (KCN sông

Dinh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) và Cty CP công nghệ James

Boat (cảng Khuyến Lương, Hà Nội) đã cung cấp hàng chục tàu, thuyền,

cano các loại cho quân đội.

Phải đến năm 2015 khi Đại biểu Quốc hội đem vấn đề tàu thuyền PPC

ra chất vấn ở Quốc hội.

Ngày 18/6/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là ông Đinh La Thăng đã

khẳng định: “Hiện nay, pháp luật không cấm việc đóng tàu bằng vật liệu

mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng với điều kiện phải đảm bảo an

toàn tuyệt đối cho người và phương tiện...” (CV số 7783/BGTVT-KHCN

về việc ứng dụng vật liệu PPC trong đóng phương tiện thủy nội địa).

Tại CV 7783, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: “Cục ĐKVN công nhận

kết quả đăng kiểm CS Lloyd hoặc Đăng kiểm Hải quân hoặc bất cứ một

tổ chức đăng kiểm nào khác thực hiện, trên cơ sở đó cấp các giấy

chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện thủy nội địa vỏ PPC

trong giai đoạn chưa ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy

phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ PPC”.

Sau chỉ đạo này, hàng chục chiếc tàu, thuyền, cano… thậm chí 2 chiếc

tàu khách PPC lớn, có sức chở 32 người và 56 người do Cty James

Boat chế tạo cũng đã được Cục ĐKVN cấp đăng kiểm.

Tiếp tục gây khó

Có thể nói công nghệ đóng tàu thủy nội địa bằng vật liệu PPC mới thai

nghén tại Việt Nam không được bao lâu thì lại tiếp tục bị chính Bộ GTVT

gây khó bằng một văn bản hành chính mới được ban hành.

Theo đó, tại thông tư số 43/2016/TT-BGTVT ngày 20/12/2016 do Bộ

GTVT ban hành chính thức chỉ cho phép đóng tàu thuyền PPC chở đến

12 người. Nếu không có gì thay đổi, Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày

28/7/2017.

Động thái này của Bộ GTVT đã khiến các doanh nghiệp đầu tư đóng tàu

bằng công nghệ PPC kêu cứu trước nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch HĐQT Cty James Boat (cảng Khuyến

Lương, Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình quy chuẩn kỹ thuật quốc gia,

công ty chúng tôi đã hợp tác nghiêm túc với Cục Đăng kiểm VN, Bộ

GTVT để tiến hành thử nghiệm vật liệu PPC như thử kéo, thử uốn, thí

nghiệm xác định khả năng chịu lửa của kết cấu vách A60; cắt vật liệu

PPC từ ca nô đã qua sử dụng để thử nghiệm độ lão hóa của vật liệu…”.

Tàu đóng bằng công nghệ PPC sẽ bị hạn chế chở đến 12 người nếu

Thông tư 43 của Bộ GTVT có hiệu lực. (ảnh: HC)

Chủ doanh nghiệp đóng tàu này bày tỏ thất vọng với Thông tư 43 của

Bộ GTVT khi hạn chế số người tàu được chở là 12 người.

“Trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43, chúng tôi đã kiến nghị loại

bỏ nội dung này. Việc hạn chế số người trên tàu đến 12 người sẽ dẫn

đến việc không thể ứng dụng vật liệu PPC trong việc chế tạo tàu khách,

du thuyền…

Thực tế tàu tuần tra cao tốc PPC do Cty James Boat đóng mới cung cấp

cho Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã hoạt động tốt 2 năm nay. Tàu

có sức chở 16 thuyền viên, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, thân vỏ ổn

định. Tàu đã giúp thủy thủ đoàn đạt được nhiều thành tích trong việc

tuần tra, cứu hộ ven biển” - ông Nguyễn Kim Sơn nói.

Còn ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt - Séc khẳng định: “Quy

chuẩn kỹ thuật quốc gia đóng tàu PPC giới hạn kích thước dưới 20m và

số khách đến 12 người là bất hợp lý. Trong khi những tàu do chúng tôi

sản xuất đã được đăng kiểm hiện nay có kích thước dưới 10m đã được

chở đến 12 người thì những chiếc tàu lớn hơn cần phải được tăng sức

tải nếu kết quả tính toán thiết kế bảo đảm an toàn”.

Trước những bức xúc này của doanh nghiệp đóng tàu, ngày 3/2/2017,

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội

đã có CV gửi Bộ GTVT khẳng định: “Ủy ban KHCNMT nhận thấy kiến

nghị của DN là có cơ sở thực tế; để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính

phủ kiến tạo, hỗ trợ phát triển DN khoa học công nghệ và thúc đẩy ứng

dụng vật liệu mới, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, chỉ đạo xử lý, trả lời

DN”.

Bộ GTVT đã không trả lời trực tiếp doanh nghiệp về các vấn đề như

công văn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT)

của Quốc hội đề cập mà sau đó đã giao cho Cục ĐKVN báo cáo Bộ về

các nội dung liên quan đến phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu PPC

thay cho trả lời.

“Như vậy là không đúng với tinh thần chỉ đạo của Ủy ban KHCNMT của

Quốc hội và thể hiện sự thiếu chính kiến, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ

GTVT” - đại diện cho doanh nghiệp đóng tàu bằng công nghệ PPC bức

xúc nói.

Theo giadinh.net.vn

9. Kiểm tra đột xuất thái độ, tác phong cán bộ tiếp dân

Đoàn sẽ kiểm tra đột xuất về thái độ, tác phong của công chức, viên

chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân,

doanh nghiệp.

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có thông báo khẩn về việc kiểm tra, khảo sát

tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) của các sở,

ban ngành và UBND quận/huyện, phường/xã trên địa bàn TP.HCM năm

2017. Thời hạn kiểm tra từ ngày 1-6-2017 đến hết tháng 10-2017.

Theo đó, căn cứ Quyết định 1681 ngày 12-4-2017 của UBND TP.HCM ,

Sở Nội vụ (Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TP) phân

công bốn đoàn kiểm tra, khảo sát kiểm tra theo lịch và đột xuất tại bộ

phận tiếp nhận và trả kết quả các đơn vị trên.

Đoàn sẽ kiểm tra công tác thư xin lỗi khi giải quyết thủ tục hành chính trễ

hạn; công tác tiếp nhận giải quyết và phản hồi các phản ánh, kiến nghị

của cá nhân, tổ chức qua đường dây nóng của cơ quan, đơn vị địa

phương…. Đồng thời, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra đột xuất về thái độ, tác

phong của công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành

chính cho người dân, doanh nghiệp…

Qua kiểm tra nhằm phát hiện mô hình, gương điển hình, sáng tạo để

nhân rộng; đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như những vấn để

phát sinh trong công tác CCHC để chấn chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu

quả công tác này.

Theo plo.vn

10. Vũng Tàu có nhóm kiểm soát container Liên Hiệp Quốc

Nhóm kiểm soát container nằm trong Chương trình kiểm soát

container (CCP) - thuộc phạm vi tiểu vùng chương trình “Tội phạm

có tổ chức xuyên quốc gia và buôn bán trái phép” của UNODC giai

đoạn 2012-2017.

Sáng 8-5, tại Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cơ quan phòng,

chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) và Tổng cục Hải

quan Việt Nam tổ chức ra mắt nhóm kiểm soát container cảng biển tại

Bà Rịa- Vũng Tàu.

Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ chính phủ các nước tăng cường

năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật để nâng cao hiệu quả kiểm

soát container tại các cảng biển, giảm thiểu nguy cơ bị các tổ chức tội

phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng container đường biển để vận

chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, vũ khí… CCP là chương

trình được thực hiện tại hơn 50 quốc gia (khu vực Đông Nam Á trong đó

có Việt Nam).

Ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ngoài

cùng bên trái), giới thiệu với khách quốc tế quy trình kiểm soát mới.

Tại Việt Nam, CCP được triển khai tại Cục Hải quan TP Hải Phòng do

chính phủ Canada tài trợ và tại Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do

chính phủ Úc tài trợ.

Nhóm kiểm soát Bà Rịa-Vũng Tàu gồm chín thành viên (do ông Nguyễn

Thanh Sang, Cục phó Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, làm trưởng

nhóm) áp dụng cùng lúc các biện pháp quản lý rủi ro tiên tiến kết hợp với

hoạt động kiểm soát chống buôn lậu nhằm mục đích nâng cao hiệu quả

công tác kiểm soát container tại các cảng biển thuộc tỉnh.

Nhóm có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai thực hiện các

biện pháp kiểm soát cảng nhằm phòng, chống tội phạm buôn lậu, vận

chuyển trái phép các loại hàng hóa cấm tại khu vực cảng biển. Trọng

tâm là các loại hàng hóa mang động vật hoang dã, vũ khí, hàng hóa

lưỡng dụng, hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu…

Nhóm được trang bị phòng máy tính nối mạng quốc tế. Các máy được

cài hệ thống phần mềm kiểm soát rủi ro và kết nối thông tin với hải quan

quốc tế. Khi khách hàng khai báo hải quan các container xuất nhâp

khẩu, nhóm sẽ thực hiện việc kiểm tra qua hệ thống phần mềm, đối

chiếu với thông tin của hải quan quốc tế để phân tích. Nếu có vấn đề sẽ

tiến hành kiểm tra.

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam,

nhấn mạnh: “Việc thành lập nhóm kiểm soát cảng Bà Rịa-Vũng Tàu

cùng với những nỗ lực cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động

thương mại và kinh doanh xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả công tác

quản lý và kiểm soát hải quan. Từ đó góp phần đảm bảo an ninh, an

toàn quốc gia, khu vực và trên thế giới”.

Theo plo.vn

11. Công tác cải cách hành chính: Khắc phục dần những hạn chế

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, năm 2016, chỉ số cải cách hành chính

(CCHC) của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đạt 80,56%, xếp loại khá

do còn tồn tại nhiều vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Do

vậy, từ đầu năm đến nay, UBND thị xã đã tập trung thực hiện nhiều

giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế.

Còn nhiều hạn chế

Năm qua, tuy có nhiều nỗ lực song công tác CCHC của thị xã Ninh Hòa

vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Theo đó, thị xã không báo cáo rà soát, hệ

thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; công khai chưa

đầy đủ thủ tục hành chính (TTHC) trên phần mềm một cửa điện tử ở các

lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế; kết quả giải quyết TTHC thấp; tỷ lệ công

chức cấp xã và cán bộ cấp xã chưa đạt yêu cầu còn cao; triển khai

không đầy đủ, kịp thời các công việc, nhiệm vụ theo quy định, chỉ đạo

của UBND tỉnh…

Theo lãnh đạo UBND thị xã, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị xã,

phường chưa thật sự chủ động trong việc nghiên cứu, tìm giải pháp đột

phá để đẩy mạnh công tác CCHC theo lĩnh vực, ngành phụ trách. Nhiều

cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác

CCHC trong việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Công

tác CCHC của thị xã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được

yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến những

tồn tại trên là do thiếu sự quan tâm của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị;

năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ nhiều nơi chưa đồng đều, yếu

nhất là năng lực làm việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Người dân nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND thị xã Ninh Hòa

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Sơn Vũ - Chánh Văn phòng UBND thị xã cho biết, để khắc

phục những hạn chế trên, ngay từ đầu năm 2017, UBND thị xã đã ban

hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch rà soát việc thực hiện các quy chế làm

việc, quy chế phối hợp, tiếp công dân, văn hóa công sở… tại các cơ

quan, đơn vị. Đồng thời chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa tại Bộ phận

một cửa UBND thị xã và các xã, phường, yêu cầu thực hiện tốt việc

công khai trình tự, TTHC, thời gian giải quyết và các loại phí, lệ phí.

Cùng với đó, thực hiện cập nhật TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của

UBND thị xã vào phần mềm một cửa điện tử gắn với việc xây dựng các

quy trình theo hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008. UBND

các xã, phường phải niêm yết công khai bộ TTHC cấp xã tại bộ phận

một cửa và cổng thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công

dân, tổ chức, doanh nghiệp đến liên hệ giải quyết hồ sơ, thủ tục.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, kết quả giải quyết TTHC của

thị xã đã có nhiều chuyển biến. Ông Nguyễn Văn Hải (phường Ninh

Hiệp) nhận xét: “Trước đây, khi đi làm giấy tờ tại bộ phận một cửa, do

một số lĩnh vực thiếu cán bộ phụ trách nên việc trả kết quả có phần

chậm trễ, người dân phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên, hiện nay, tại các ô

tiếp nhận hồ sơ, lĩnh vực nào cũng có cán bộ phụ trách túc trực, tiếp

nhận và hướng dẫn tận tình nên tình trạng hồ sơ trễ hẹn rất ít”.

Nhằm tiếp tục nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp

khi đến liên hệ công tác, thời gian tới, UBND thị xã Ninh Hòa sẽ tập

trung cải cách thể chế, bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn

của cán bộ, công chức làm việc tại các bộ phận một cửa; tổ chức các

lớp tập huấn, tuyên truyền vận động cán bộ, công chức các xã, phường

và người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình nộp, giải

quyết hồ sơ để công tác CCHC của thị xã ngày càng tốt hơn.

Theo baokhanhhoa.com.vn

Năm 2016, Bộ phận một cửa, một cửa liên thông thị xã tiếp nhận

9.045 hồ sơ, giải quyết 8.614 hồ sơ, trong đó hầu hết các lĩnh vực

đều có hồ sơ trễ hạn với số lượng lên đến 2.108 hồ sơ, chiếm

24,47%. Trong khi đó, quý I/2017 (tính từ ngày 1-1 đến 3-3), số

lượng hồ sơ tiếp nhận là 3.329, giải quyết xong 2.477 hồ sơ, số

lượng hồ sơ trễ hạn rất ít, chỉ có ở lĩnh vực tài nguyên môi

trường trễ hạn 118/1.390 hồ sơ, chiếm 8,5%; lĩnh vực lao động -

thương binh - xã hội trễ hạn 4/591 hồ sơ, chiếm 0,65%; lĩnh vực

xây dựng - giao thông trễ hạn 1/13 hồ sơ, chiếm 7,69%, còn lại số

hồ sơ được tiếp nhận tại các lĩnh vực khác đều được giải quyết

sớm, đúng hạn 100%.