em, hãy mở cửa trái tim

48
Dạ Lai Hương (Tuổi trẻ và con đường đạo đức) Em, hãy mở cửa trái tim!

Upload: da-lai-huong

Post on 13-Mar-2016

219 views

Category:

Documents


3 download

DESCRIPTION

Written by Dạ Lai Hương Sketches by Sr. Trieu Nghiem

TRANSCRIPT

Page 1: Em, hãy mở cửa trái tim

Dạ Lai Hương

(Tuổi trẻ và con đường đạo đức)

Em, hãy mở cửa trái tim!

Page 2: Em, hãy mở cửa trái tim
Page 3: Em, hãy mở cửa trái tim

Kính tặng quý Sr. Vườn Tuệ và anh chị đồng tu

Page 4: Em, hãy mở cửa trái tim

~Phần 1~

Tranh: Sr. Triêu Nghiêm

Page 5: Em, hãy mở cửa trái tim

“5 Giới là một cách sống, là một đường lối tiêu thụ, là một nghệ thuật ứng xử có rất nhiều tình thương và sự hiểu biết. 5 Giới không phải chỉ dành cho những người tin Bụt, không phải chỉ là sự thực tập của người Phật tử. Bất cứ ai dù có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, dù thuộc về một tôn giáo khác như Cơ Đốc Giáo hay Hồi Giáo đều có thể áp dụng tinh thần của 5 Giới vào đời sống mình. Mình đón nhận 5 Giới với một trái tim rộng mở, với một tâm hồn bao dung thì tự nhiên là những cái hay, cái đẹp của 5 Giới sẽ đi vào mình rất là dễ dàng.”

Page 6: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 6

…Sài Gòn, ngày 14 tháng 7…

Anh chị em kính mến! Hôm nay, d.l.h xin được chia sẻ những cái thấy của mình về Giới Thứ Năm: Nuôi Dưỡng và Trị Liệu. Nội dung chính của Giới này là đề cập đến những dưỡng chất cho tâm hồn. d.l.h cạn nghĩ đề tài này rất phù hợp để đăng trên trang xomgaolut.info (một trang chuyên về mảng Thực Dưỡng, tiêu thụ có ý thức). Vì nội dung khá dài cho nên d.l.h xin chia thành 3 phần. Dưới đây là phần đầu tiên… Hôm vừa rồi có một cô Phật tử bày tỏ là cô cảm thấy 5 Giới quý báu và lợi lạc quá. Và cô luôn băn khoăn, luôn thao thức làm sao có thể chia sẻ 5 Giới này ra ngoài xã hội, đặc biệt là cho những người trẻ. Cô thấy rằng xã hội bây giờ đang có nhiều bất ổn, bất ổn ở đây là bất ổn về mặt đạo đức. Người trẻ đang chạy theo những giá trị vật chất và quay lưng lại với truyền thống văn hóa tâm linh dân tộc. Cô có ước muốn sao cho thật nhiều bạn trẻ sẽ tiếp nhận và thực tập theo tinh thần của 5 Giới. 5 Giới là một lối sống lành đẹp Mong ước của người cư sĩ đó cũng chính là nỗi lòng của Dạ Lai Hương. Khi tham gia một khóa tu thì thời khóa mà d.l.h thích nhất có lẽ là thuyết trình về 5 Giới. 5 anh chị em sẽ ngồi trước đại chúng và chia sẻ những thành công, những khó khăn, những suy nghĩ của mình về việc ứng dụng 5 Giới vào đời sống. Đó là một cơ hội rất quý để mọi người cùng nhau làm sáng tỏ và đào sâu thêm những hiểu biết của mình về 5 Giới. Trong sự nhìn nhận của d.l.h thì 5 Giới là một cách sống, là một đường lối tiêu thụ, là một nghệ thuật ứng xử có rất nhiều tình thương và sự hiểu biết. 5 Giới

Page 7: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 7

không phải chỉ dành cho những người tin Phật, không phải chỉ là sự thực tập của người Phật tử. Bất cứ ai dù có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, dù thuộc về một tôn giáo khác như Công Giáo hay Hồi Giáo đều có thể áp dụng tinh thần của 5 Giới vào đời sống mình. Bản thân của d.l.h luôn để tâm tìm hiểu những tôn giáo khác. d.l.h đã đọc qua 10 điều răn, đã xem qua kinh Koran. Và d.l.h nghĩ rằng sự hiện hữu của bất cứ một lời dạy nào, một cuốn kinh nào, một truyền thống tôn giáo nào thì cũng nhằm mục đích duy nhất là khuyên con người trở về chăm sóc, bồi đắp cho gốc rễ đạo đức của mình. Đó là bến đỗ cuối cùng của chúng ta. Tất cả chỉ là những danh từ, những con chữ. Và mình thực tập làm sao đừng để bị vướng mắc vào đó. Mình không vướng mắc vào bất cứ một chủ thuyết nào, một vị giáo chủ nào. Mục đích của chúng ta chỉ là hoàn thiện mình, sống tốt hơn, trở thành một con người có hiểu biết, có tình thương. Vậy nên, d.l.h rất mong những anh chị em thuộc một tôn giáo khác hay chỉ thờ phụng ông bà cũng có một cách tiếp cận tương tự khi đọc bài này. Mình đón nhận 5 Giới với một trái tim rộng mở, với một tâm hồn bao dung thì tự nhiên là những cái hay, cái đẹp của 5 Giới sẽ đi vào mình rất là dễ dàng. Vừa rồi là phần mở bài, trước khi đi vào phần thân bài thì d.l.h cũng xin nói thêm một điều. Sở dĩ d.l.h có cảm hứng để viết bài này là vì cuối tuần qua d.l.h đã được nghe 3 sư cô thuyết trình về 5 Giới. Đó là một ngày mưa rả rích. Và cũng đã có một cơn mưa Pháp trong lòng d.l.h. Bài viết này tuy ký tên là Dạ Lai Hương. Nhưng d.l.h thấy rõ ràng rằng nó không thuộc về d.l.h. Đây chỉ là sự tiếp nối của những gì mình đã được nghe, được thấy, được học hỏi từ ngày hôm đó.

Page 8: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 8

5 Giới nằm trong nhau Có một vị khi nghe qua về 5 Giới thì chia sẻ như thế này: “Tôi cảm thấy 5 Giới rất là hay. Nhưng mà khó quá. Rất khó để mà giữ cả 5 Giới. Thôi thì chỉ xin thọ nhận 1 Giới thôi.” Đây cũng là cảm giác chung của rất nhiều người. Mình thấy 5 Giới rộng lớn, bao trùm hết thảy những sự việc trong đời. Trong khi đó khả năng của mình là hạn hẹp. Thành ra mình không nghĩ là sẽ có thể thực tập thành công được cả năm. Vậy nên, mình chỉ giữ 1 hoặc 2 Giới thôi. Ban đầu là như vậy. Nhưng d.l.h nghĩ rằng nếu có sự thực tập đàng hoàng, nghiêm túc và không đứt đoạn, nếu để hết tâm hết lòng mà thực tập thì sau một thời gian chúng ta sẽ có một cảm nhận khác. Chúng ta có thể khám phá ra một sự thật. Sự thật đó là 5 Giới nằm trong nhau. Khi mình thực tập sâu sắc một Giới thì mình sẽ tiếp xúc với những Giới còn lại. Xin lấy một ví dụ về Giới thứ nhất. Giới thứ nhất là Bảo Vệ Sự Sống. Đọc qua Giới bản thì anh chị em có thể sẽ nhận ra được từ khóa (được viết hoa) hay trọng tâm của việc thực tập Giới này là nhằm nuôi dưỡng tình thương (lòng Từ Bi) và sự hiểu biết về Tương Tức. Khi ăn cơm, chúng ta được gợi mở là nên dừng lại để nghĩ tưởng về những điều kiện đã hội tụ giúp cho chúng ta có được chén cơm đó. Và trong khi ăn thì chúng ta có thể dành 10, 15 phút ăn trong im lặng để trân quý thức ăn mà ta đang được thọ dụng. Đó là một cách thức để nuôi dưỡng lòng Từ Bi và cái hiểu về Tương Tức. Tuy vậy, sự thực tập không chỉ diễn ra trong bữa ăn. Người Phật tử nếu đã thọ Giới thì

Page 9: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 9

sẽ có một ngày tụng Giới (ít nhất là 1 lần/tháng). Và lẽ dĩ nhiên, sự thực tập không chỉ diễn ra trong chỉ một ngày đó. Vấn đề ở đây là mình cần duy trì sự thực tập đều đặn mỗi ngày. Mình cần phải cầm nắm tinh thần của Giới thứ nhất mang vào đời sống thường nhật. Khi anh chị em lướt web thì mình có thể yêu thích một bài nhạc hay một đoạn phim nào đó. Và mình muốn đem chúng về chia sẻ trên facebook hoặc trang blog của mình. Cách chúng ta làm là sẽ sao chép đường dẫn của bài nhạc hay đoạn phim đó và dán vào tường nhà của mình (facebook). Nếu ai có blog thì mình sao chép đoạn mã rồi dán vào bài đăng. Như vậy thì bạn bè sẽ được dịp cùng thưởng thức với mình. Cái đó tiếng Anh gọi là nhúng thả (embed hay là copied & pasted). Với Giới thì chúng ta cũng cần phải làm một kỹ thuật tương tự. Chúng ta cũng cần phải nhúng thả Giới vào dòng sống của mình. Có như vậy thì mình mới nếm được hương vị của Giới. Lúc bấy giờ Giới không còn chỉ là danh từ hay lý thuyết. Giới đã trở thành một thực thể sống động. Giới đang có mặt trong sự sống của mình. Nhìn bằng cái nhìn Tương Tức Tương tức hiểu một cách đơn giản là bất cứ một hiện tượng nào đều không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều nhờ những điều kiện khác mà biểu hiện. Nhìn vào thân thể của mình, nếu có sự lắng đọng tâm tư thì chúng ta có thể thấy rõ ràng sự có mặt của thân thể này là nhờ không biết bao nhiêu là điều kiện khác. Chúng ta sở dĩ mà có mặt là nhờ sự kết hợp từ tinh cha và huyết mẹ. Chúng ta được nuôi bằng sữa mẹ, bằng thức ăn, bằng dưỡng khí v.v… Ta có được chiều cao này, ta có được cân nặng này là nhờ thân con bò, con heo, con gà, con cá… Thành ra giờ đây khi không còn có khả năng cao thêm được nữa thì ta quyết định là sẽ hạn chế tiêu

Page 10: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 10

thụ thịt động vật. Ta sẽ ăn ngũ cốc, hoa quả, các loại tương nhiều hơn. Ta biết có một ngành gọi là Thực Dưỡng (Macrobiotics) chuyên nghiên cứu làm sao để ăn uống cho quân bình. Vậy nên ta thực tập quán chiếu về những thức ăn ta tiêu thụ trong mỗi bữa ăn hay khi chế biến. Ta biết rằng có những người đang đi theo ngành Nông Nghiệp Hữu Cơ (Organic Farming). Vậy nên ta quyết định sẽ tiêu thụ những sản phẩm đó để yểm trợ cho những người đang có ước muốn bảo hộ môi sinh (Deep Ecology) và làm nông theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường (Permaculture).

Tranh: Sr. Triêu Nghiêm Ta nguyện ăn như thế nào để làm lớn thêm tình thương với muôn loài. Ta nguyện dành thì giờ để đào sâu về mối liên hệ giữa ta với vạn vật. Vấn đề không phải là ăn chay trường. Cố nhiên nếu mình ăn chay trường được thì rất tốt. Nhưng không ăn dài ngày được thì cũng không sao. Quan trọng hơn hết là mình sống, mình tiêu thụ, mình thực tập ăn

Page 11: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 11

trong im lặng như thế nào để trái tim mình ngày càng mở rộng, tâm hồn mình ngày càng khoáng đạt. Mục đích của chúng ta là tiêu thụ như thế nào để có thể nuôi lớn tình thương và sự hiểu biết. Đó là tinh yếu của Giới Thứ Nhất. Đây là điều mà ai cũng có thể hiểu và làm được. d.l.h nhận ra có rất nhiều người. Họ không phải là Phật tử, họ không ăn chay trường. Nhưng họ sống với một tấm lòng ngập tràn sự vị tha, khoan thứ và bao dung. Họ chưa từng dùng bạo lực với người khác. Khi có những mâu thuẫn trong quan hệ thì giải pháp của họ luôn là đối thoại ôn hòa trong tinh thần tôn trọng, giữ gìn thể diện cho nhau. Những vị đó tuy có thể chưa từng nghe với 5 Giới nhưng họ chính là sự biểu hiện của Giới. Họ chính là Giới. Họ đang mang tinh thần của 5 Giới đi vào cuộc đời. Từ sự nhìn sâu vào thân thể, chúng ta thấy rõ ràng những điều kiện đã hội tụ để làm nên hình hài của mình. Và chúng ta có thể thấy sự có mặt của mình là một cái gì đó rất là mầu nhiệm. Và mình trân quý sự sống, sự tồn tại của mình. Chính vì sự quý trọng đó cho nên chúng ta cũng bắt đầu quý trọng sự có mặt của những sinh mạng khác xung quanh ta. Vậy nên ta nguyện giảm thiểu việc sát hại, ta giảm thiểu sự tước đoạt sự sống của những loài khác trong hành động, trong lời nói và kể cả trong tư duy của chính chúng ta. Nếu làm được như vậy thì chúng ta không còn nói, không còn bàn về sự Tương Tức. Ta đang sống với Tương Tức. 5 Giới cũng Tương Tức Khi đã hiểu về Tương Tức, khi đã nhìn cuộc đời bằng cái nhìn Tương Tức thì sẽ có biết bao nhiêu là cái thấy mới lạ đến với chúng ta. Khi nhìn vào một khối tài sản, khi bắt gặp một vật phẩm có giá trị thì chúng ta thấy rõ ràng rằng đó là kết tinh của biết bao nhiêu là dụng công và nỗ lực, những nỗ lực của thân và của tâm của người khác. Vì vậy cho nên

Page 12: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 12

ta có thể dễ dàng buông bỏ ước muốn chiếm hữu cho riêng mình. Ta nguyện không cố gắng chiếm đoạt những gì không phải do bàn tay và khối óc mình tạo dựng. Từ giới thứ nhất, chúng ta đã nhẹ nhàng đi sang Giới Thứ Hai – Hạnh Phúc Chân Thực hay nói theo truyền thống trước giờ là Không Trộm Cắp. Khi nhìn vào một gia đình ấm êm thì ta thấy rằng sở dĩ những liên hệ tình cảm có được là nhờ không biết bao nhiêu là sự bồi đắp vun xới từ quá khứ. Và bất cứ một xung đột nào cũng có thể gây ra những đổ vỡ trong lòng con trẻ. Những đứa con có thể mang những vết thương, những khối sầu đau đó vào đời và tạo ra thêm nhiều những khổ đau trong lòng xã hội. Vì vậy, nếu ta chẳng may có cảm tình với một người đã có gia đình thì với cái thấy đó ta sẽ phải dừng lại. Tình thương của ta nếu gây nên đổ vỡ cho nhiều người thì đó không phải là một tình thương đích thực. Giải pháp cho ta có thể là chuyển hóa tình cảm yêu đương có tính chất đam mê trở thành tình bạn có tính chất nuôi dưỡng. Trở thành bạn bè của nhau, ta có thể tạo nên hạnh phúc không chỉ cho cho ta mà còn cho người chồng hay người vợ và những đứa con của người mà ta đã từng yêu thương. Làm được như vậy thì ta có thể đi ra khỏi mê cung của ái dục, của tham đắm và vướng mắc. Từ giới thứ nhất, chúng ta đã đi sang Giới Thứ Ba – Tình Thương Đích Thực (hay nói theo truyền thống là Không Tà Dâm). Hai cách diễn giải ngắn gọn trên giúp cho chúng ta thấy rõ ràng mối liên hệ giữa các Giới trong 5 Giới. Sự phân chia 5 Giới chỉ có tính chất làm cho tâm ý chúng ta dễ dàng tiếp nhận. Tâm ý chúng ta luôn cần có một danh từ, một ý niệm để nắm bắt. Vậy nên mình chia thành 5. Sự thật ở đây mọi người đều thấy rất rõ ràng: 5 Giới có trong nhau. 5 Giới nằm trong nhau. 5 Giới là tương tức. Nếu mình thực sự thực tập Giới cho vững chãi, cho sâu sắc, mình nắm được

Page 13: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 13

bản chất, tinh yếu của 5 Giới thì mình thấy sự thật 5 Giới chỉ là một. Hiểu được như vậy thì ta có thể nói lại với những ai đang có thắc mắc với Giới. Ta có thể nói: “Nếu anh chị chỉ định thọ nhận và hành trì 1 giới thôi thì cũng là tốt lành lắm rồi. Nhưng khi đã thọ nhận thì mong sao anh (hay là chị) hãy thực tập hết lòng. Mình hãy dành thì giờ để nhìn sâu vào Giới đó. Mình để tâm tìm cách ứng dụng Giới đó vào đời sống. Nỗ lực tinh tấn thực tập (Tấn) thì mình sẽ nếm được hạnh phúc của Giới và từ đó niềm tin của mình (Tín) sẽ ngày càng lên cao. Và khi đó mình sẽ có thể đạt tới một cái thấy sâu sắc hơn về Giới.” d.l.h vừa trình bày xong phần thứ nhất. Bây giờ chúng ta đi sang phần thứ hai. Trong phần này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những yếu tố giúp cho chúng ta tìm ra được nguồn thực phẩm lành mạnh cho tâm hồn mình…

Page 14: Em, hãy mở cửa trái tim

~Phần 2~

Tranh: Sr. Triêu Nghiêm

Page 15: Em, hãy mở cửa trái tim

“Trong một khoảnh khắc lắng sâu, hắn nhận ra nguồn THỨC THỰC của mình. Đó là mây trời, là nắng gió, là những sắc áo lam nâu, là toàn thể những gì xung quanh trong giờ phút hiện tại. Chúng đang nuôi dưỡng thân tâm hắn. Trong một khoảnh khắc lắng sâu, hắn nhận ra thức thực, tư niệm thực, xúc thực và đoàn thực đang đồng thời hiện hữu. Đời sống hắn trở nên giàu có diệu kỳ...”

Page 16: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 16

… ngày 14 tháng 9…

Hồi đầu tháng, hắn tới chùa nghe mấy Sư cô thuyết giảng về 5 giới. Hắn thích thú lắm. Về nhà hắn hạ quyết tâm viết một bài chia sẻ thật “hoành tráng”. Hắn định bụng sẽ in ra rồi đem tặng lại cho Quý Sư cô. “Không phải tặng!”, hắn nghĩ là giao nộp thì đúng hơn. Giống như làm bài tập ở nhà rồi nộp lại cho giáo viên vậy. Hắn chia bài làm của mình thành 3 phần. Phần đầu hắn giới thiệu sơ lược về 5 Giới. Phần trọng tâm hắn chia sẻ về sự thực tập Giới thứ 5. Phần cuối hắn lấy một đoạn thơ để mà phân tích dưới cái nhìn của Giới. Làm mới chính mình Kế hoạch là thế nhưng ngày hắn trở vào chùa thì mới chỉ viết xong mỗi phần 1. Vậy là không có cái gì để mà nộp rồi. Chẳng phải là hắn không đủ khả năng để viết. Lý do là khi viết được nửa đường thì hắn bỗng thấy phần chia sẻ của mình dường như còn nặng về lý thuyết quá. Hắn có cảm tưởng cách viết của hắn đã sáo hết cả mòn rồi. Hắn muốn làm mới lại cách tiếp cận vấn đề của mình. Hắn nghĩ nếu bây giờ mà sao chép rồi dán văn bản của Giới thứ 5 vào bài viết rồi bắt đầu phân tích từng câu từng chữ thì cũ kỹ. Thầm nhủ: Liệu có còn cách nào hay hơn nữa không? Hắn tự nhận mình là một con người rất mau chán. Hắn nhanh chán kinh khủng. Chán với chính bản thân mình. Nhiều khi hắn phát ngấy với mấy cái bài viết của hắn. Hắn muốn thay đổi giọng kể. Hắn muốn đổi ngôi xưng hô. Không hiểu sao chỉ mới bắt đầu bằng “tôi” thôi là bao nhiêu

Page 17: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 17

cảm hứng của hắn trôi tuột trơn trọi. Gì mà cứ “tôi và các anh chị”. Nghe buồn nản, lạnh lẽo, tẻ nhạt và công thức ghê gớm. Vậy nên hắn không viết phần 2 mà hắn viết phần 3 trước. Có ai lại lạ đời như hắn? Ở phần 3, hắn lấy một đoạn thơ làm điểm tựa cho nên mọi thứ diễn ra rất chi là êm xuôi. Kỹ thuật này hắn gọi là “theo sông ra biển”. Nghĩa là hắn chỉ cần tìm lấy một đoạn thơ có nội dung phù hợp rồi diễn xuôi ý thơ thôi. Hắn viết khá chóng vánh. Chỉ 3 giờ là xong. Nhưng mà thật lòng đọc lại hắn vẫn chưa thấy thỏa mãn. - Vưỡn chưa được! Cái chữ “vưỡn” cứ như điệp khúc của một bản tình ca ăn khách. Hắn chưa thể lật đổ được “cái tôi” độc tài đang độc trị trái tim. Cho nên hắn khó chịu và bứt rứt. Giới nằm ở đâu? Sáng hôm nay, trời mưa to. Hắn tỉnh giấc, nằm im nghe tiếng mưa rơi dầm dập trên mái. Rồi hắn trở mình ngồi dậy, mắt nhắm hờ hững. Hơi lạnh từ ngoài hiên tràn vào lồng ngực. Hắn thấy lòng rỗng rang và mát mẻ. Hắn ngồi lâu hơn chút nữa, chăm chú lắng nghe từng thanh âm đập vỗ. Rồi bỗng nhiên từ trong sâu hoắm một tiếng nói vang lên như hờn trách: - Răng mà mi nghĩ Giới nằm troong văn bản mà mi đã hoọc? Giới ở mô mi nỏ biết. Giới nơi trộ mưa rào. Giới giữa con nác trong. Giới ở chộ ni. Bây dừ và lộ ni. Hắn mở mắt, nhìn vào khoảng không diệu vợi. “Ra là thế!”, hắn trầm ngâm. Công việc viết lại những suy nghĩ về Giới chẳng qua cũng chỉ là kết quả của những dòng ký ức.

Page 18: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 18

Giới đâu có nằm ở đó. Giới là một cái gì đó sinh động và biến chuyển không ngừng. Trong khi hắn lại muốn thâu gom Giới để đem vào một cái lồng kính, vào một cái bảo tàng. Hẳn nhiên chuyện chia sẻ về Giới, viết về Giới là một công việc có thể đem lại nhiều lợi lạc. Nhưng cũng đừng mất quá nhiều thời gian vào đấy. Điều quan trọng vẫn là sự thực hành. Hắn nhớ tới ngày gần đây nhất hắn vào chùa. Hắn đâu có ngồi hí hoáy ghi chép hay cắm cúi đánh máy. Hắn hoàn toàn tận hưởng từng phút giây bình an. Như thế là bài chia sẻ về Giới của hắn đã được viết rồi đó. Đoản văn của hắn đã được viết, viết trong hư không. Tất cả đã có ở đó, có ở “lộ ni và bây dừ”. Đó mới chính là bài chia sẻ Giới đích thực. Hắn với tay lên kệ sách, lấy xuống cuốn Để Có Một Tương Lai. Sáng nay, hắn muốn ngồi đọc lại quyển sách này. Hắn tìm thấy một tờ giấy rời. Đó là mảnh giấy ghi chép giới bản chỉnh sửa. Hắn đọc lại Giới thứ năm: Nuôi dưỡng và trị liệu Ý thức được những khổ đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới internet, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện trò.

Page 19: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 19

Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ và không để cho lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp sự khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội, và trong môi trường sự sống.

Tranh: Sr. Triêu Nghiêm

Page 20: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 20

…3 tuần trước... Bốn món ăn lành Hắn giật mình, bật sáng điện thoại để xem giờ là mấy giờ. Mới có hơn 2 giờ khuya. Vậy là hắn đã ngủ được khoảng 3 tiếng. Thế mà hắn có cảm giác như mình đã có một giấc ngủ dài, rất dài. Mỗi khi vào chùa thì hắn thấy rõ ràng phẩm chất giấc ngủ của mình: Sâu và không mộng mị. Hắn lầm bầm: - Mình đang ở đất Tịnh. Mình đang ở đất Tịnh... 6 giờ là thời điểm ăn sáng. Thức ăn dĩ nhiên là những món chay thanh nhẹ. Ngày nào mà hắn không ăn chay. Nhưng bữa ăn hôm nay không chỉ là những gì nằm trong chiếc bát trên tay hắn. Đó còn là không khí thoáng đãng xung quanh. Đó còn là đại chúng mát tươi bao bọc. Đây là những gì mà hắn thiếu trong thực đơn hằng ngày. Có lẽ vì vậy mà món ăn trở nên ngon hơn, lành hơn, tinh khiết hơn. Trong một khoảnh khắc lắng sâu, hắn nhận ra nguồn ĐOÀN THỰC của mình. Chúng có ở khắp nơi và đang dưỡng nuôi thân tâm hắn. 45 phút sau, hắn chọn một chỗ ngồi ở hành lang bên chánh điện. Hắn lấy quyển “Nhật ký cuối cùng” ra đọc. Hắn chỉ mới biết đến vị đạo sư lừng lẫy này gần đây. Lần đầu tiên google thì hắn đã bắt gặp ngay tấm hình thời trẻ của ông với đôi mắt đen láy và sáng quắc. Có lẽ ấn tượng đó quá đậm sâu cho nên hình dung về ông trong đầu hắn là một người trẻ, mãi mãi trẻ. Đọc những dòng tâm tưởng được thu âm rồi sau nhuận sắc lại này hắn không có cảm giác đó là của một lão ông đã 87 tuổi. Hắn nhớ có ai đã nói “sách hay còn nhờ không gian hợp”. Câu nói đó có lẽ đúng với hoàn cảnh

Page 21: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 21

hắn bấy giờ. 1 tuần trước hắn cũng đọc mấy trang này nhưng không có nhiều cảm xúc lắm. Giờ đây không gian yên ả và an tĩnh như giúp hắn thể nhập vào từng câu chữ. Tất nhiên là hắn đang tỉnh táo, rất tỉnh táo. Hắn đọc và thỉnh thoảng dừng lại để thở. Hắn ý thức rõ ràng mình đang ở đâu. Đây không phải là Pine Cottage. Đây không phải là hiên nhà Krishnamurti. Nhưng cái mát trong buổi sớm mai này, cái phẳng lặng trong tâm hồn hắn liệu có khác với thời xưa, với người xưa? Trong một khoảnh khắc lắng sâu, hắn nhận ra nguồn XÚC THỰC của mình. Chúng có ở khắp nơi và đang nuôi dưỡng thân tâm hắn. Hắn gấp sách lại, khẽ ngân nga một giai điệu. Chẳng là mấy hôm nay hắn muốn tìm một bài hát nào đó về mẹ, về cha, về gia đình. Đây đang là mùa Vu Lan Thắng Hội mà hắn thì không thích hát những gì đã trở nên quen thuộc. Và hắn đã tìm thấy bài “Người về”. Hắn được biết tác giả có cảm hứng viết ra khúc ca này khi đang tản bộ ở Paris. Hắn mường tượng tới âm vang những bước chân của người nhạc sĩ thiên tài trong cái đêm thanh vắng đó. “Ông đã bước như thế nào để có thể viết nên một tác phẩm đẹp và lay động lòng người đến như vậy?”, hắn thắc mắc. Ông không thể đoàn tụ với gia đình. Và âm nhạc đã là cánh cửa mở, là chiếc cầu nối để ông có thể trở về, về với mẹ, với vợ, với đứa con thơ. Và cánh cửa ấy đã không còn mở cho riêng ông. Chiếc cầu ấy đã không chỉ dành cho riêng Phạm Duy nữa. Nó đã cứu rỗi biết bao nhiêu linh hồn không nhà. Bài này khá dài vì có đến 3 phần lời. Đoạn cuối kết thúc bằng một hình ảnh giàu ngôn ngữ điện ảnh và đậm chất thi ca:

“con ơi, con ơi, tiếng cười nở chan hòa, nhớ tới, nhớ tới biết bao trẻ thiếu nhà

Page 22: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 22

ngoài đường trời Đông giá một đàn chim nhỏ bé

gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà” Hắn thấy khung cảnh đó không khác gì diễn biến của một cuốn phim. Góc quay từ căn phòng nhỏ hướng ra phía sân trước mặt rồi phóng lên trời cao. Tuyết rơi lả tả và đâu đó vọng về tiếng chim yếu ớt gọi bầy. Âm hưởng của cả bài tuy buồn đau nhưng không bi lụy. Khi hát lên đến đoạn cuối nước mắt hắn như chực trào. Những tình cảm về mẹ cha, về những mảnh đời bất hạnh ngập dâng ý thức. Sau nốt nhạc cuối cùng, tâm tư hắn trở nên sạch trong và cao thượng. Hắn thấy thương mình, thương cha mẹ, thương tất cả mọi loài. Trong một khoảnh khắc lắng sâu, hắn nhận ra nguồn TƯ NIỆM THỰC của mình. Chúng có ở khóe môi, mi mắt. Chúng có ngay trong trái tim. Và chúng đang dưỡng nuôi thân tâm hắn. 7 giờ 30 sáng, buổi đi thiền hành bắt đầu. Hôm qua khi mới tới hắn cũng đã đi một mình. Còn hôm nay hắn đi cùng đại chúng. Sự thực tập nào cũng có giá trị của riêng nó. Hắn không đề cao cái nào hơn. Nhưng nhờ có những lần thực tập cá nhân mà hắn thêm quý trọng cơ hội này. Trời như xanh trong thêm. Nắng như lung linh hơn. Hắn cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết hơi thở mình. Từ chiều qua đến giờ, hắn không gọi điện thoại, hắn không mang theo máy ảnh, hắn cũng không vào mạng xã hội hay viết nhật ký trực tuyến gì cả. Hình như ở đây không có mạng không dây. Hoặc dã nếu có thì hắn cũng chẳng đăng nhập làm gì. Hắn tự muốn mình thoát ra mọi tài khoản. Nhưng hắn không hề có cảm giác mình đang ngoại tuyến. Hắn vẫn kết nối với vũ trụ đấy thôi. Hắn đang kết nối một cách sâu sắc nhất như chưa từng. Hắn kết nối bằng mắt, tai, mũi, lưỡi bằng cả thân tâm, kết nối một cách trực tiếp mà không phải thông qua bất cứ một màn hình, một cánh cổng điện tử nào. Trong một khoảnh khắc lắng sâu, hắn nhận ra nguồn THỨC THỰC

Page 23: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 23

của mình. Đó là mây trời, là nắng gió, là những sắc áo lam nâu, là toàn thể những gì xung quanh trong giờ phút hiện tại. Chúng đang nuôi dưỡng thân tâm hắn. Trong một khoảnh khắc lắng sâu, hắn nhận ra thức thực, tư niệm thực, xúc thực và đoàn thực đang đồng thời hiện hữu. Đời sống hắn trở nên giàu có diệu kỳ...

Tranh: L.M.N

Page 24: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 24

Gom củi cho nhà kho 1 giờ 45 phút trưa, hắn đi ra bãi củi sau vườn. Nhìn ngắm những thanh củi được sắp ngay ngắn và xếp thành khối vuông vức, hắn bắt đầu so sánh và liên tưởng: - Sự thực tập 5 giới của mình cũng đâu có khác gì với những thanh củi này. Giấc ngủ sâu đêm hôm trước là củi. Giấc ngủ bình yên trưa nay là củi. Bài kinh tụng Vu Lan, buổi ngồi thiền lúc sớm mai là củi. Những bước chân thiền hành trong cơn mưa nhẹ chiều qua và giữa ánh nắng ấm sáng nay là củi. Đoản văn Bông Hồng Cài Áo hắn đọc lúc 8 giờ 45 phút là củi. Những món chay thọ dụng là củi. Cây chổi quét sân là củi...Chao ôi, bao nhiêu là củi! 24 giờ qua hắn đã thu gom không biết bao nhiêu là củi cho mình. Mà có phải là củi của riêng hắn không? Không phải, củi của hắn mà cũng là củi của biết bao nhiêu người. Mục đích của sự tu học, của sự thực tập chánh niệm nói cho đơn sơ và giản dị chỉ là thế thôi. Tất cả cũng chỉ là để gom củi. - Gom củi về đâu? Và gom củi để làm gì? Câu hỏi thứ nhất với hắn chẳng có gì khó. Trả lời: Gom về nhà kho. Hỏi: Nhà kho này ở đâu? Đáp: Nhà kho này chính là tàng thức của hắn. Hắn đã từng được nghe:

“Tàng thức là nhà kho Ý thức là phòng khách.”

Page 25: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 25

Nhà kho đó chứa đầy những hạt giống thiện và bất thiện. Cho nên nếu không biết thực tập 5 giới, sống thiếu ý thức, tiêu thụ những thức ăn không lành mạnh thì tự mình sẽ tưới tẩm những hạt giống bất thiện. Và vì vậy chúng sẽ nảy nở, biểu hiện thành những nguồn năng lượng xấu ác và chiếm đầy trong phòng khách ý thức. Hắn nhớ là lúc trước Giới thứ năm có tên là Tiêu thụ chánh niệm. Có lẽ cái tên đó vẫn còn khái quát cho nên về sau đã đổi thành Nuôi dưỡng và trị liệu. Rất rõ ràng và cụ thể! Không cần phải đọc nhiều và tìm hiểu sâu sắc ai cũng có thể có một sự hình dung tức thì về con đường thực tập của Giới thứ 5. Đó là ta hãy chỉ tìm kiếm 4 món ăn có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu cho thân tâm mình. Vấn đề còn lại là làm sao ta biết đâu là nguồn thực phẩm nuôi dưỡng và trị liệu. Làm sao ta biết, làm sao ta nhận diện được? Muốn thấy rõ, muốn nhìn đúng bản chất thì phải có ánh sáng. Hỏi: Ánh sáng từ đâu mà ra? Đáp: Lửa. Hỏi: Làm sao có lửa? Đáp: Củi. Những câu hỏi đáp cứ như từng đợt sóng nối tiếp nhau dạt trôi vào bãi bờ tâm ý hắn. “Mình phải gom cho thật nhiều củi”, hắn đúc kết. Hắn nhận ra nhà kho của hắn chưa có nhiều củi lắm nhưng hắn không quá quan ngại. Hắn đã biết nơi nào có nhiều củi. Và hắn cũng có thể tự sản xuất ra củi. Một hơi thở có ý thức cũng là một thanh củi. Một bước chân có ý thức cũng là một thanh củi. Nếu hắn có sự chú tâm vào từng động tác thì mỗi một hành động nhỏ nhặt sẽ là thanh củi của riêng hắn. Một bữa ăn chay, một lời nói yêu thương cũng là một thanh củi. - Vậy 1 tháng ăn chay thì sao?

Page 26: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 26

Vậy 1 bài viết chia sẻ về giới thì sao? “Vậy thì ta có một ôm củi chứ còn sao nữa!”, hắn gật gù. Có nhiều củi thì sẽ không lo thiếu lửa. Khi cần nhìn sâu, soi sáng những gì mình đang tiêu thụ thì hắn sẽ không lo thiếu lửa. Khi cần quán chiếu thì hắn chỉ cần đem củi từ nhà kho lên phòng khách rồi đốt lên. Phòng khách hắn sẽ sáng choang, tràn trề hơi ấm. Ý thức hắn sẽ bừng tỏ, rực rỡ sắc vàng... Bây giờ là 2 giờ trưa. Ngày tu chưa chấm dứt. Sắp đến thời khóa cho buổi chiều. Điều đó có nghĩa vẫn còn nhiều củi để hắn thâu nhặt. Lòng hắn sướng vui vô hạn. Miệng hắn thầm thì reo ca: - Mình đi kiếm củi, mình đi nhặt củi... Củi! Củi! Củi! Chỉ có củi mà thôi!

Page 27: Em, hãy mở cửa trái tim

Tranh: Sr. Triêu Nghiêm

Page 28: Em, hãy mở cửa trái tim

~Phần 3~

Tranh: Sr. Triêu Nghiêm

Page 29: Em, hãy mở cửa trái tim

“Vẫn còn có rất nhiều những bài thơ, những đoạn nhạc, những bộ phim, những tác phẩm có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta hãy cùng nhau dùng lưỡi cuốc của Chỉ và Quán để đào xới vào lòng thực tại. Chúng ta hãy chung sức cùng nhau để có thể mang ra ánh sáng những viên ngọc quý vẫn còn đang ẩn khuất nằm lặng lẽ trong kho tàng văn hóa của dân tộc mình.”

Page 30: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 30

…ngày 31 tháng 8…

Như đã chia sẻ ngay từ phần đầu tiên, Dạ Lai Hương xin dành phần cuối cùng này để phân tích một đoạn thơ theo tinh thần của giới thứ năm. Có thể nhà thơ đã viết ra những câu thơ dưới đây trong một tâm thế khác với những cảm nhận của d.l.h. Nhưng đó mới chính là sự thú vị và đặc biệt của thi ca. Một khi đã viết ra một bài thơ và gửi vào cuộc đời thì những dòng chữ ấy đã không còn thuộc về tác giả nữa rồi. Nó đã lên đường, đã bay đi, lan tỏa vào lòng người thưởng ngoạn và khoác lên mình một tấm áo hoàn toàn mới. Lần đầu tiên d.l.h đọc được toàn bài thơ này là cách đây 5 năm. Đó thật sự là một giai đoạn tăm tối và không lối thoát. Những hàng chữ ấy đã cứu rỗi linh hồn d.l.h. Thơ ở đây không còn là những ký tự khô cứng và bất động trên trang giấy. Thơ ở đây là một cánh cửa mở, một con đường sáng đã giúp cho d.l.h tìm thấy một lối ra cho chính mình. Xin mời các anh chị cùng đọc lại với tôi:

giữa hơi thở giao thoa ngực cháy lửa

tôi gọi khẽ em

hãy mở cửa trái tim tâm hồn anh

vừa sống lại thành trẻ thơ trong sạch

như một lần sự thật

Page 31: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 31

Tranh: Sr. Triêu Nghiêm Giữa hơi thở giao thoa... Mình thở vào một hơi thật nhẹ, thật lắng dịu. Và mình thở ra một hơi thật sâu, thật từ tốn. Nếu ngồi yên và chỉ cần thở vài ba nhịp như vậy thôi là ngay lập tức cảm giác thanh thản sẽ phát khởi trong lòng người thực tập. Nếu chúng ta biết cách điều hòa hơi thở trong khi đi thì chỉ vài bước chân thôi chúng ta đã có thể dẫn dắt thân tâm mình trở về cõi tĩnh lặng. Giữa hai nhịp vào ra đó là sự giao thoa, là một khoảng dừng, một khoảng lặng mênh mông vô cùng. Tuy nhiên nhân vật chính của chúng ta lại không có được một cảm giác như vậy. Sự bình an hoàn toàn vắng bóng. Chỉ có lửa, duy nhất lửa. Lửa không ở bên ngoài mà bùng phát trong lồng ngực. “Ngực cháy lửa”. Một hình ảnh rất dữ dội, có một sức gợi rất lớn. Trong truyền thống thiền tập, d.l.h có nghe nói đến một loại lửa được gọi là Lửa Tam Muội (Hỏa Diệm Tam Muội). Theo cách hiểu của d.l.h thì

Page 32: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 32

ngọn lửa đó là một trạng thái định tâm (Samādhi). Khi thân và tâm trở về một mối, không bị lôi kéo về quá khứ hay tương lai, có mặt hoàn toàn với phút giây hiện tại thì lúc đó chúng ta có một cái nhìn thấu suốt vào lòng hiện hữu. Mọi tạp niệm đều vắng bặt, tâm tư ta tỏa bừng, tràn trề ánh sáng. Ta thấy rõ tận nguồn cơn khổ đau hay sướng vui của mình. Ta thấy rõ bản chất của tất cả những gì đang sai sử và khuynh đảo ta. Ta thấy rõ vì ta có ánh sáng. Ánh sáng đó là ánh sáng của sự tập trung tâm ý. Ánh sáng đó chính là Tam Muội. Xét theo diễn tiến của ý từ thì lửa ở trong đoạn thơ này chắc chắn không thể nào là ngọn lửa của sự định tâm. Lửa này không đem đến cho ta cảm giác bình an. Lửa này làm ta đứng ngồi không yên. Lửa này làm cho ta đớn đau sầu khổ. Ngọn lửa này là lửa của phiền giận, của lắng lo, của hờn trách, của nghi kỵ, của thèm khát. Rất là tội nghiệp! Sự sống của mình chỉ tồn tại trong hơi thở thôi. Nhưng giữa những nhịp thở đó chỉ là lửa, chỉ duy nhất lửa. Nó thiêu đốt mình. Nó nung nóng mình. Đây không phải là tình trạng của một cá nhân riêng lẻ, đây không chỉ là tình trạng của người trai trẻ trong câu thơ này. Đây chính là tình trạng chung của rất nhiều người. Lửa đến từ đâu? Ngọn lửa đang bùng cháy thiêu đốt tâm can chúng ta đến từ đâu? Ai đã đốt nó, ai đã tiếp thêm nhiên liệu cho nó? Câu trả lời là chính ta. Hẳn nhiên cũng đã có nhiều người góp tay vào. Nhưng chính chúng ta phải chịu phần trách nhiệm chính. Lửa sở dĩ mà có chính là kết quả của một cách thức tiêu thụ thiếu ý thức, không có đường lối. Ta đã đưa vào tâm thức mình bao nhiêu là chất đốt không lành mạnh. Một cuốn phim kích động, một bài báo kỳ thị, một bản nhạc sầu bi, một tập sách tuyên truyền... Đó chính là những chất

Page 33: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 33

đốt đã gây nên cơn lửa trong lòng ta. Không những vậy giới thứ năm còn đi xa hơn và sâu hơn. Nhìn nhận vấn đề theo tinh thần của giới thứ năm thì ta có thể nói rằng một người bạn xấu, một đoàn thể không có sự hòa hợp, một mục tiêu phấn đấu, một lý tưởng chỉ đặt nền tảng trên lợi ích cá nhân cũng là những chất dẫn cháy... Thấy được một tình cảnh như vậy cho nên chúng ta cần phải thay đổi lề thói tiêu thụ của mình. Có ai muốn đốt mình trong lửa? Chắc chắn là không. Vậy nên chúng ta cần phải chuyển hướng. Chúng ta cần phải tìm kiếm những nguồn thực phẩm lành mạnh, những nguồn dưỡng chất có khả năng làm màu mỡ cho mảnh đất tâm hồn mình. Nhưng đó là câu chuyện về sau. Còn trước mắt là ta phải làm sao để dập lửa. Chuyện cấp thiết nhất giờ đây là ta phải chấm dứt sự tàn hoại của lửa. Khi có khổ đau, khi có sự oán hận, khi có sự thèm khát chúng ta thường có 3 xu hướng. Một là mình cam chịu chấp nhận. Người ta thường nói thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương. Đó chẳng qua chỉ là một cách nói xoa dịu trên bề mặt. Những vết thương trên thân thể có thể liền da. Nhưng vết thương trong trái tim thì không thể nào chữa lành được. Nó vẫn còn đó, chỉ đợi một điều kiện phù hợp là lại biểu hiện và làm cho chúng ta khốn khổ. Có những người họ sống và mang theo những cơn đau âm ỉ đến cuối cuộc đời. Khổ đau nếu không được chuyển hóa thì sẽ cứ mãi tiếp nối. Ta không chuyển hóa thì ta sẽ trao tất cả những khổ đau đó cho con, cho cháu, cho những thế hệ tiếp theo của mình. Biểu hiện thứ hai là mình đi tìm một đối tượng để trút bỏ cơn oán giận trong lòng. Mình đi tìm một thế liên minh, mình đi tìm một sự đồng tình. Sự oán giận đó nhiều khi căn cứ trên những bằng cớ không chính xác. Nhưng mình không tập nhìn sâu vào bản chất của nó. Mình chỉ muốn đi tìm một người khác để giải tỏa. Cơn oán giận vì vậy ngày càng leo

Page 34: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 34

thang. Ngọn lửa trong lòng mình không thể nào dập tắt. Trái lại, nó ngày càng lan rộng. Biểu hiện thứ ba là khi mình có những sự thèm khát, có những sự kích động trong lòng thì mình đi tìm sự thỏa mãn. Mình chạy đến những nơi, những người mà mình nghĩ rằng nơi đó, người đó sẽ đáp ứng sự thèm khát của mình. Và dần dần qua thời gian mình bị mắc kẹt vào nơi chốn đó, vào con người đó. Mình trở thành một dạng nghiện ngập. Mình có thể nghiện tình dục, mình nghiện thuốc phiện, mình nghiện rượu bia, mình nghiện tiền bạc, nghiện danh vị... Khi tôi đọc 2 câu đầu trong đoạn thơ này thì tôi thực sự rất thương cảm. Tôi không thấy một sự cách biệt nào giữa người đọc là tôi và người viết là tác giả. Câu thơ đó được viết cách đây đã hơn 60 năm. Nhưng đó không phải là tình cảnh của tuổi trẻ miền Nam trong những tháng ngày phân chia Quốc-Cộng.

giữa hơi thở giao thoa ngực cháy lửa

Mình đọc lên và mình thấy có một khối sầu đau rất lớn. Đau khổ vì tình yêu, đau khổ vì thiếu một lý tưởng cao đẹp, đau khổ vì sự tha hóa, đau khổ vì sự chông chênh của kiếp người. Đau khổ vì đã huân tập một đường lối tiêu thụ không đúng đắn. Đau khổ vì không có một phương hướng, một lối đi sáng đẹp trong cuộc đời. Đó có phải là câu chuyện xưa cũ hay không? Không, tôi thấy nó hoàn toàn tươi mới. Đây không phải là câu chuyện của hôm qua mà là của hôm nay, nó đang diễn ra ngay trong phút giây này. Đây là câu chuyện của tôi, của Dạ Lai Hương, của những người trẻ trong thời đại ngày nay. Mỗi ngày, mình bước ra đường thì mình thấy phủ đầy những hình ảnh mê hoặc, kích thích của chủ nghĩa tiêu thụ.

Page 35: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 35

Mình lên mạng lưới Internet thì mình thấy ngập tràn những đoạn phim tang tóc, bạo lực, thèm khát. Bao nhiêu là lửa đang thiêu đốt mình. Bao nhiêu là nguồn nhiên liệu không lành mạnh xung quanh mình. Chúng có ở khắp nơi trên mạng lưới truyền thanh, truyền hình, trong những câu chuyện hằng ngày, trong sách báo, báo giấy lẫn báo điện tử. Và người trẻ, những trái tim hai mươi đang bị bao vây, đang bị phục kích giữa muôn trùng khói lửa. Chúng ta phải làm gì để thoát khỏi tình trạng này? Chúng ta phải làm sao để dập tắt ngọn lửa ấy? Tôi gọi khẽ: “Em!” Mình gọi khẽ. Mình gọi em. Mình đã gọi tức là mình không có cam chịu chấp nhận. Mình không có thụ động trước tình trạng khổ đau. Mình không có đợi cái gọi là “thời gian sẽ chữa lành”. Mình thực tập “gọi em”. Gọi ở đây là gọi khẽ. Gọi khẽ tức là gọi để cho một mình nghe, một mình mình biết. Mình không có đi tìm một ai hết. Mình không có đi tìm bất cứ một hội nhóm nào. Mình không đi tìm bất cứ một chủ thuyết nào. Mình không cần ai thương xót, đồng tình. Mình không cần ai cứu rỗi. Mình gọi khẽ: - Em! Mình thực tập gọi em.

tôi gọi khẽ em

hãy mở cửa trái tim Mình thấy rõ ràng tình trạng của mình. Những bế tắc, thèm khát, buồn đau trong mình chính là vì mình chưa biết trân quý và gìn giữ thân tâm. Cho nên bây giờ mình muốn thương mình. Mình biết thương và mình muốn thương.

Page 36: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 36

Mình muốn mở cánh cửa của trái tim. Và mình muốn người đó xuất hiện. Mình muốn người đó có mặt.

Mình muốn em hãy dang cánh tay ôm ấp những khổ đau trong lòng mình.Mình muốn trao gởi tấm thân thương tích này cho em chăm sóc.

Em ở đây là ai? Em ở đây có phải là một người con gái hay không? Hay em là một bậc thần linh, một đấng bề trên nào đó?

Tôi muốn mời các anh chị hãy đọc lại mấy câu thơ này bằng tất cả sự lắng đọng:

giữa hơi thở giao thoa ngực cháy lửa

tôi gọi khẽ em

hãy mở cửa trái tim

Chúng ta thở vào một hơi thở có ý thức. Chúng ta thở ra một hơi thở có ý thức. Ta không thở như một thói quen vô thức. Sự thở vào và thở ra đó sở dĩ có ý thức là vì ta biết để ý đến sự chuyển động của bụng dưới. Và ta có thể khép hờ đôi mắt của mình. Tâm tư trở nên an tĩnh. Lắng dịu... Lắng dịu... Thở vào, tôi thấy có lửa trong lồng ngực của tôi Thở ra, tôi thấy tôi đang có mặt trong một ngôi nhà cháy... Thở vào, tôi mời em về với tôi Thở ra, tôi gọi em trở về. Hãy mở cửa trái tim... Thở vào tôi thấy sở dĩ tôi có thể nhận diện được lửa là vì em có đó.

Page 37: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 37

Thở ra tôi thấy sở dĩ tôi có thể nhìn rõ nguyên nhân phát hỏa là vì em có đó. Em đây là ai? Em đang ở đâu? Em là ai? Em ở đâu? Là ai? Em là ai?

Tranh: L.M.N Em là Niệm. Em là Chánh Niệm. Và em đang có mặt ngay trong ta. Em là nguồn năng lượng lành mạnh, phát sinh từ những hơi thở có ý thức. Em là dòng thác có thể dập tắt những khối nham thạch đang phun trào. Ta càng thở có ý thức, ta càng mời gọi em tha thiết thì ta sẽ càng nhận thấy sự có mặt hùng hậu của em. Chúng ta mở hết trái tim mình để em bước vào. Gọi em không phải là một phép tự kỷ ám thị, một sự tưởng tượng trên mây trên gió. Gọi em là một sự thực tập. Chúng

Page 38: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 38

ta thực tập làm phát khởi nguồn năng lượng chánh niệm trong từng hơi thở của mình.

Trong chúng ta có những khổ đau, có những nghi kỵ đó là những nguồn năng lượng tiêu cực chỉ đưa tới sự đổ vỡ, sự hủy diệt. Nhưng trong chúng ta cũng có những nguồn năng lượng lành mạnh có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Và sự thực tập ở đây là chúng ta mời gọi, chúng ta làm ra nguồn năng lượng đó. Lúc này trong tâm thức sẽ có 2 nguồn năng lượng, chúng dần lan toả, đi vào nhau, giao thao với nhau. Và kết quả là gì? Kết quả là:

tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

Mình sống lại. Mình tưởng là mình đã chết đi rồi. Mình tưởng là mình đã không thể nào qua khỏi. Có những khổ đau, có những oán hận quá lớn đè nát cuộc đời mình. Mình đi tìm sự thỏa mãn trong tình dục, trong á phiện, mình đi vào băng đảng, mình đi tìm sự trả thù. Tất cả những gì mình làm chỉ là một sự tìm quên. Mình muốn chạy trốn khổ đau hoặc là mình hoàn toàn bị nó sai sử. Mình không có tự do. Mình không có an ninh. Mình chỉ muốn hủy hoại sự sống của người khác và rồi mình hủy hoại sự sống của chính mình. Mình muốn tự tử. Nhưng sự chết của mình đâu phải là lúc mình ngưng thở. Sự chết của mình đã bắt đầu ngay từ lúc mình hời hợt với bản thân. Sự chết đã bắt đầu ngay từ lúc mình lao vào những hố sâu tăm tối của lãng quên và buông thả. Mình nghĩ là mình đã chết. Mình muốn đi tìm cái chết. Nhưng giờ đây mình sống lại. Mình được phục sinh. Cái đó là do đâu? Cái đó là nhờ mình biết thở, mình thở có ý thức. Cái đó là nhờ mình có khả năng làm ra được một nguồn năng lượng tỉnh thức lành mạnh ngay trong mình. Cái đó là nhờ mình biết thực tập gọi em. Mình giờ đã sống

Page 39: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 39

lại. Mình sống lại thành trẻ thơ. Mình nương theo hơi thở ý thức và mình thấy rõ tình trạng của mình. Tất cả đều có những khởi đầu, đều có những nguồn cơn của nó. Mình thở vào, mình thở ra và mình tiếp xúc với em bé thơ trong lòng mình. Thở vào, tôi thấy trong tôi là một em bé thơ ngây và trong sáng Thở ra, tôi mỉm cười và nắm tay em Thở vào, tôi thấy trong tôi là một em bé thơ có nhiều thương tích Thở ra, tôi khóc và ôm lấy em vào lòng Có nhiều người trong chúng ta có thể đã có một tuổi thơ hạnh phúc và ấm êm. Chúng ta được sống trong vòng tay chở che của ông bà, cha mẹ, anh chị. Chúng ta đã có những tháng ngày thần tiên, đẹp đẽ. Nhưng rồi khi lớn lên, mê mải chạy theo những vòng xoáy của lợi danh, của sắc dục ta đã đánh mất thiên đường đó. Có nhiều người trong chúng ta có thể đã có một tuổi thơ bất hạnh và thiếu thốn. Chúng ta không có được hạnh phúc như bao em bé khác. Ta có thể đã bị lạm dụng, bị đánh đập, bị nhồi sọ. Và khi lớn lên, ta mang những vết thương không bao giờ lành đó đi vào cuộc đời. Do không biết cách chuyển hóa, ta lại chuyển tiếp tất cả những khổ đau đó cho chính những người thân yêu và xung quanh ta. Con đường thoát ở đây không nằm ở đâu xa. Con đường đó chỉ có thể khởi đi từ những bước chân của chính chúng ta. Chỉ có thể là ta mới giúp cho ta được. Ta thực tập trở về với em bé thơ ngây ngày nào. Ta tìm lại âm thanh giòn tan của những tiếng cười. Ta tìm lại ánh nhìn trong vắt của đôi mắt. Những vang động và sắc màu của ngày xưa có mất đi đâu. Tất cả vẫn còn đây. Chỉ vì ta hững hờ không nhận diện được. Và bây giờ đây, ta giật mình tỉnh lại, ta thấy rõ những

Page 40: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 40

điều kiện hạnh phúc vẫn đang có mặt. Chúng nuôi dưỡng ta, làm cho ta sống lại. Em bé đầy thương tích của ngày xưa vẫn còn đây. Ta cười, ta khóc với em. Ta có thể nắm tay em, ta có thể ôm em. Và vết thương trong ta đang được chữa trị. Ta thấy lòng mình mát mẻ, sạch trong, sạch trong “như một lần sự thật.” Sạch và Mát... Sự trong sạch này không phải là một ảo giác. Đó là kết quả của sự thực tập. Trong sạch âm Hán Việt là chữ thanh 清. Theo hiểu biết sơ sài của tôi thì chữ thanh này thuộc bộ thủy (氵) nghĩa là nước. Chữ thanh 青 có nghĩa là màu xanh hay là tuổi trẻ. Cho nên chúng ta có từ thanh lương tức là sự mát mẻ hay là thanh tịnh tức là sự trong lành, không bị ô nhiễm. Nói về những trạng thái của tâm thì chữ thanh có thể được hiểu là tình trạng không bị phiền nhiễu, vắng bặt những tạp niệm, có được an ổn (thanh tịnh). Khi tâm không còn ô nhiễm thì cõi lòng ta giống như tâm hồn em bé thơ, hồn nhiên, sáng trong, mát mẻ (thanh lương). Mát và sạch chính là 2 dấu hiệu cho ta biết sự thực tập của mình đã tiến triển, đã có một mức độ tiến bộ nhất định. Mình thở như thế nào, mình quán chiếu như thế nào mà mình cảm thấy những lỗi lầm mình được gột rửa (sạch), mình tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc (mát). Nếu mình thấy có cái mát, có cái sạch trong lòng thì sự thực tập của mình đã thành công phần nào. Cho nên khi đọc đến đây thì chúng ta có thể rất là mừng. Ban đầu thì chúng ta thấy hình ảnh của một thanh niên có nhiều khắc khoải, u sầu. Mình đã làm gì đời mình để mà

Page 41: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 41

“ngực cháy lửa”? Mình đã tiêu thụ, đã giao du, đã sống như thế nào mà chỉ có lửa trong lồng ngực mình? Nhưng diễn biến tiếp theo đã đi theo một chiều hướng rất là khả quan, rất là tươi sáng. Chàng trai đã gọi “em”, đã trở về được với em bé thơ ngây để có thể chăm sóc và chữa trị. Rồi chàng cảm thấy mình được gột rửa, mình trở nên tươi mới và trong sạch. Đoạn thơ kết thúc bằng câu “trong sạch như một lần sự thật”. Ta có thể hỏi nhau sự thật ở đây là sự thật gì? Sự thật gì đã khiến người ta cảm thấy lòng mình trong sạch? Có một niềm tin, một sự mãn nguyện rất lớn ẩn khuất trong dòng chữ cuối cùng này. Người ta tin, người ta mãn nguyện vì đã tìm ra được sự thật, đã tìm ra một nẻo thoát cho chính mình. Con đường đó, sự thật đó rất là rõ ràng. Khổ đau chúng ta sở dĩ mà có là vì chúng được nuôi lớn bằng những nguồn thức ăn không lành mạnh ta đưa vào thân tâm mình hằng ngày. Cho nên để chấm dứt khổ đau, ta chỉ cần thay đổi lề thói tiêu thụ của mình. Đó là chúng ta nói theo hướng dài hạn về lâu về dài. Còn trong ngắn hạn, ta cần phải biết dập lửa. Ngọn lửa phát hỏa từ quá khứ tiêu thụ không có ý thức của chính chúng ta. Ta dập lửa bằng cách nào? Ta dập lửa bằng cách làm ra một nguồn năng lượng mang tên là Niệm. Ta làm ra bằng việc thở có ý thức. Ta làm ra bằng việc đi đứng nằm ngồi có ý thức. Nguồn năng lượng đó sẽ đi vào, sẽ giao thoa với những nguồn năng lượng tiêu cực và chuyển hóa chúng. Đồng thời, ta cũng cần phải nương theo ánh sáng chánh niệm để có thể trở về tiếp xúc với em bé thơ trong lòng ta. Tiếp xúc để có thể chữa trị cho những cơn đau nhức kinh niên, tiếp xúc để có thể nhận diện những niềm vui và bình an đang có mặt. Và khi cõi lòng ta có sự mát trong, tâm tư

Page 42: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 42

ta cảm thấy sạch nhẹ thì đó chính là dấu hiệu báo cho ta biết ta đã thành công bước đầu. Sự thật ở đây là chúng ta chỉ có thể trở về với mình và chăm sóc cho chính mình. Tất cả bắt đầu bằng sự công nhận ngọn lửa đang bùng cháy trong ta. Ta không chạy đi kiếm tìm sự lãng quên, ta không chạy đi để làm lan tỏa ngọn lửa ấy. Sự thật là chỉ có ta mới có thể dập tắt được ngọn lửa trong lòng mình. Và ta có cách thức, ta có một phương án rất hữu hiệu, rất thực tiễn để chữa cháy cho căn nhà trong tâm thức ta. Lời kết: Anh chị thân mến! d.l.h đã dùng bài thơ này để thực tập trong những giai đoạn khó khăn nhất. Nhờ có mấy câu thơ này mà d.l.h đã luôn được nhắc nhớ về sự thực tập “gọi em” và trở về với em bé thơ trong lòng mình. Cho nên d.l.h rất trân quý bài thơ. Một bài thơ không chỉ là thơ. Nó đã là một phương thuốc có tác dụng chữa trị và nuôi dưỡng rất lớn. Tác giả đã viết nên những hàng chữ này là Thanh Tâm Tuyền - một nhà thơ lớn trong phòng trào Sáng Tạo. Đoạn thơ này là phần cuối của bài Phục Sinh. Tất cả những gì chia sẻ trên đây là những cảm nhận cá nhân. d.l.h đã quán chiếu bài thơ theo tinh thần của 5 giới. Mình có thể gọi là Ngũ Giới Quán. Mình không đọc bài thơ với tư cách là một người phê bình văn học. d.l.h đọc bài thơ với tâm thế một người cư sĩ, một người muốn ứng dụng 5 giới vào sự sống thường nhật của mình. Chắc chắn sự trình bày của d.l.h chưa được sâu sắc và có thể còn nhiều sai sót. Kính mong anh chị cùng thực tập với d.l.h và có thể chỉ

Page 43: Em, hãy mở cửa trái tim

Em, hãy mở của trái tim! ~ Dạ Lai Hương 43

bảo, đóng góp thêm để cái thấy của d.l.h trở nên chính xác và chuẩn mực hơn. Sau đây là điều cuối mà d.l.h muốn nhắn gởi. Vẫn còn có rất nhiều những bài thơ, những đoạn nhạc, những bộ phim, những tác phẩm có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta hãy cùng nhau dùng lưỡi cuốc của Chỉ và Quán để đào xới vào lòng thực tại. Chúng ta hãy chung sức cùng nhau để có thể mang ra ánh sáng những viên ngọc quý vẫn còn đang ẩn khuất nằm lặng lẽ trong kho tàng văn hóa của dân tộc mình. d.l.h xin được kiên nhẫn chờ trông những phát hiện mới của anh chị.

Trân trọng, Dạ Lai Hương

30.8.2012

Page 44: Em, hãy mở cửa trái tim
Page 45: Em, hãy mở cửa trái tim

~ M ụ c L ụ c ~

Phần 1: 5 Giới có trong nhau

trang 4

Phần 2: 4 món ăn lành

trang 14

Phần 3: Em, hãy mở cửa trái tim!

trang 28

Page 46: Em, hãy mở cửa trái tim
Page 47: Em, hãy mở cửa trái tim

2012

Em, hãy mở cửa trái tim! ~ Dạ Lai Hương~

~~~o0o~~~

Nguồn cấp dữ liệu:

Chữ: www.XomGaoLut.info Tranh, ảnh: facebook.com/TrieuNghiem

facebook.com/mainhu.le

~~~o0o~~~

Biên tập: Dạ Lai Hương Trình bày: Dạ Lai Hương

Minh họa: Sr. Triêu Nghiêm,

L.M.N Bìa: Dạ Lai Hương

~~~o0o~~~

Web: www.dalaihuong.me

E-mail: [email protected]

Page 48: Em, hãy mở cửa trái tim

www.dalaihuong.me www.xomgaolut.info

facebook.com/dalaihuong