ebook du học nên ở hay về

29
Ebook tâm sDU HC SINH - NÊN HAY V?

Upload: du-hoc-inec

Post on 15-Apr-2017

22 views

Category:

Education


0 download

TRANSCRIPT

Page 1: Ebook du học nên ở hay về

Ebook tâm sự

DU HỌC SINH - NÊN Ở HAY VỀ ?

Page 2: Ebook du học nên ở hay về

DU HỌC - "ĐI ĐI, ĐỪNG VỀ!"

"Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê

hương, cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy. Chưa

bao giờ sách giáo khoa nói về những cái cúi đầu của chúng tôi trên đất Mỹ, vì nỗi tự ti quê

hương thua kém hơn, mà chỉ bảo: “Nước ta rừng vàng biển bạc.” - Đây là những tâm sự

thật của một bạn du học sinh Mỹ hiện đang ở Việt Nam hè 2014. Tôi quyết định giấu tên

người chia sẻ câu chuyện này.

GÓC NHÌN VIỆT NAM: "ĐI MỸ ĐƯỢC RỒI, VỀ LÀM GÌ?"

“Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc 4 năm Đại học, tôi muốn về Việt Nam.

Nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”

Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ

khi tôi mới học 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời

hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ:

“Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 80. Kể từ đó, bác đã cho

không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên,…

Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không

dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng

Đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà bất

cứ nơi đâu tại Việt Nam này cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu

nhương lắm. Hách dịch lắm. Về làm gì hả con?”

Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt

Nam để cống hiến. Nhưng, ở nơi này, tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm

cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!”

Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.

LĂNG KÍNH MỸ: "LÝ DO NÀO ĐỂ QUAY VỀ QUÊ HƯƠNG?"

Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm

người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai

chữ: “Sẽ về!”

Tôi có một cô bạn thân đang học ngành Công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học,

về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để

chật vật kiếm một chỗ làm sau 4 năm vất vả!”

Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình

đã biết. Tại Việt Nam, mình sẽ không làm được.”

Page 3: Ebook du học nên ở hay về

Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất

nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình.

Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa apply thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu

khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể”.

Những thằng Mỹ thì hỏi thẳng vào mặt tôi: “Tụi mày từ Việt Nam đến đây học, thụ hưởng

văn hóa của tụi tao, thụ hưởng cả những đồng tiền bố mẹ tao còng lưng đóng thuế. Học

xong mày phủi tay quay về nước, thế thì có công bằng với tụi tao hay không?”

Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương,

cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy. Chưa bao giờ

sách giáo khoa nói về những cái cúi đầu của chúng tôi trên đất Mỹ, vì nỗi tự ti quê hương

thua kém hơn, mà chỉ bảo: “Nước ta rừng vàng biển bạc.”

Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua

điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau mà đi xây dựng đất nước.

Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam, mà chỉ nói: “Đừng về để

dẫm vào đường cụt. Trên mảnh đất này, người tài không có cơ hội. Vì tương lai của con,

hãy đi đi!”

Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?”

- Đỗ Thanh Lam -

DU HỌC SINH: ĐI ĐI, ĐỪNG VỀ!

"Đi đi, đừng về!" là câu nói đắng lòng phổ biến mà những người có trải nghiệm đau xót

khi về nước làm việc nói với các em học sinh đang còn đi du học. Cũng có nhiều cha mẹ

suy nghĩ và nói với những đứa con đi du học của mình như vậy.

Trên thực tế, khi làm công tác tư vấn chọn ngành cho học trò khi các em nộp hồ sơ đi du

học, tôi luôn đặt câu hỏi này cho các cha mẹ: "Anh/chị có muốn con ở lại làm việc sau tốt

nghiệp hay không?"

Và phần lớn câu trả lời tôi nhận được từ các bố mẹ là : "Có ".

Có lẽ câu chuyện đang nóng của Doãn Minh Đăng - cựu quán quân của " Đường lên đỉnh

Olympia " tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ dường như là minh chứng cho

niềm tin của các cha mẹ rằng: Ở lại nước ngoài làm việc sau tốt nghiệp sẽ tốt hơn nhiều

cho con cái họ.

Page 4: Ebook du học nên ở hay về

Với hàng ngàn học trò du học và hàng trăm em đã tốt nghiệp, tôi cũng tin như vậy - mà có

lẽ cũng không cần liệt kê ra đây những điều tốt hơn đó.

Người ta hay nói tới câu chuyện đóng góp cho đất nước hay tình yêu tổ quốc... vào vấn đề

ở hay về của các du học sinh. Điều đó quả thật là khiên cưỡng. Giống như người ta nói

phải học lịch sử mới biết yêu nước vậy.

Ô hay, yêu nước là điều tự nhiên vốn sẵn có trong từng con người cơ mà, sao phải cần tới

học lịch sử thì mới có? Học lịch sử là để có tư duy lịch sử vì nó là một môn khoa học như

bao môn khoa học khác. Và nếu các em chọn không học thì cũng không có sao với tình

yêu tổ quốc cả.

Đấy là còn chưa nói tới tổ quốc trước tiên là mảnh đất dung dưỡng và bảo vệ một con

người.

Và điều này, khi áp dụng vào với các em du học sinh, thì nơi nào mà các em có thể cống

hiến và làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình thì nơi đó nên là đích đến sau tốt nghiệp

của các em.

Trên thực tế, không ít học trò của tôi về nước sau tốt nghiệp và từ quan sát của mình tôi

tạm đúc rút ra mấy điều:

1. Các em học các ngành kinh doanh, tài chính và kinh tế có thể tìm được công việc ổn ,

tốt và rất tốt ở Việt Nam.

Tôi có học trò học Reed College về nước làm việc sau khi học kinh doanh tại đây hiện đang

là giám đốc cấp cao của Lazada. Em đang là 1 ngôi sao trong giới lãnh đạo kinh doanh trẻ

của Việt Nam.

2. Các em học các ngành khoa học và kỹ thuật thật sự gặp khó khăn khi về nước. Ngay cả

khi các em biết cách thức của Việt Nam thì môi trường làm việc chả có cái gì cho các em

làm việc và nghiên cứu cả.

Đi dạy học là giải pháp tạm ổn về tài chính cho các em.

Một phụ huynh của tôi có con đang học Toán tại đại học Colgate , Mỹ có nói: " Thằng Kh

nhà chị không biết về nước thì làm gì?". Tôi bảo: "Nếu nó cứ thích về thì chị cho nó qua

chỗ em dạy học cũng được!"

Biết là lãng phí, nhưng biết làm sao đây? Và càng lãng phí nếu các bạn biết rằng Kh là một

học sinh cực xuất sắc: khi học tại ACS của Singapore, em đã cho nhiều tài năng tại đây hạ

knock-out hết một loạt.

3. Các em về Việt Nam vì các lý do cá nhân và gia đình, sau một thời gian không tìm được

việc làm hay thậm chí đã đi làm một thời gian và phát hiện ra mình không thể hòa nhập

được cách thức làm việc và đối xử của người Việt trong môi trường làm việc, đã âm thầm

Page 5: Ebook du học nên ở hay về

quay trở lại nước ngoài. Cú sốc văn hóa ngược này mới chính là thứ khiến các em đau đớn

và vỡ vụn rất nhiều thứ trong trái tim.

Trong vô vàn học sinh Việt đã từng đi du học và trong nhiều vạn các em sẽ đi , có ai không

mơ ước về một Việt Nam tốt đẹp hơn?

Nhưng có lẽ các em sẽ phải đợi. Và chờ nhiều năm nữa...

Á QUÂN OLYMPIA NÊU LÝ DO KHÔNG TRỞ VỀ NƯỚC LÀM

VIỆC

Nguyễn Thành Vinh là Á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên (Ngọc Minh

là quán quân). Lúc đó, Vinh là học sinh chuyên Hóa trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa.

Sau đó, Vinh giành được học bổng của chính phủ Úc và tiếp tục con đường du học, trở

thành một trong những Tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam ở nước ngoài.

Vinh khá quen thuộc khi đã vào vai chàng sinh viên tên Nam trong phim truyền hình “Phía

trước là bầu trời”. Hiện anh có một công việc tốt ở Úc và có một cuộc sống rất hạnh phúc

với gia đình nhỏ của mình ở xứ sở này.

Người làm chuyên môn cần môi trường để làm việc

Là dân Olympia mùa đầu tiên cùng với Doãn Minh Đăng. Hẳn anh có theo dõi vụ lùm xùm

liên quan đến thầy Đăng với nhà trường ở Cần Thơ vừa qua chứ?

Tôi có biết vụ này từ trước và cũng có dẫn vụ việc lên facebook của mình. Nhắc đến anh

Đăng hầu hết dân Olympia mùa đầu ai cũng biết và ai cũng quý anh ấy.

Anh Đăng hơn tôi một tuổi. Anh ấy trẻ trung nhiệt huyết và đã gây được một ấn tượng đặc

biệt về kiến thức, tư duy. Và trên hết, anh Đăng như một người anh cả bởi sự già dặn chín

chắn, với lối hành xử rất người lớn, rất đàng hoàng.

Có thể trong thành tích của cuộc thi mà chúng tôi được vinh danh, anh Đăng không có

nhiều điều đáng nói nhưng những kiến thức chuyên môn sau này của anh Đăng, quả thật

rất đáng nể.

Anh ấy đi học ở Hà Lan, học Tiến sĩ rồi về nước làm việc. Chúng tôi cũng hơi bất ngờ.

Sự bất ngờ phải chăng là vì Đăng là một trong số hiếm hoi dân Olympia đi du học mà trở

về còn đa số là tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài?

Cái này tôi phải nói rõ, thực ra dân Olympia có cơ hội du học bằng chương trình ấy thì chỉ

có quán quân thôi. Á quân đa số phải tự xin học bổng, hoặc theo một chương trình nào đó

của địa phương.

Page 6: Ebook du học nên ở hay về

Hồi xưa tôi đi du học, tôi xin học bổng của chính phủ Úc.

Cho đến năm nay, quán quân có 15 người, không biết 2 bạn mới đã đi chưa. Nhưng Á quân,

có người xin được học bổng, có người không như đa số mọi người đều nỗ lực xin học bổng

đã đi du học cả và cũng không nhiều người trở về nước làm việc.

Khi chúng tôi đã đi du học, nhất là những người chọn con đường làm chuyên môn nghiên

cứu thì ít ai quay về. Đó là điều tôi bất ngờ ở trường hợp của anh Đăng. Dĩ nhiên, mỗi

người có một lý do để về, điều này tôi không ý kiến.

Anh có thể cho biết lý do tại sao anh không quay về?

Tôi cũng định quay về sau khi học xong đại học. Nhưng khi đó tôi nhận thấy tôi không có

một cơ hội công việc nào rõ ràng cả.

Tôi vốn thích làm nghiên cứu nên tôi tiếp tục xin học bổng Tiến sĩ và ở lại học tiếp. Rồi

tôi chuyên tâm với con đường nghiên cứu giảng dạy, nên về Việt Nam khó cho tôi làm

được trọn vẹn con đường tôi chọn nên tôi quyết định ở lại nước ngoài.

Có cực đoan quá không vì cũng rất nhiều người trở về và thành đạt đấy chứ, thưa anh?

Tôi vẫn nhắc lại mọi người có một lựa chọn nhưng như tôi hay anh Đăng đều chọn làm

chuyên môn. Dân chuyên môn thì cần môi trường chuyên môn đúng nghĩa chứ không phải

thành ông này bà nọ.

Tôi thấy suy nghĩ của tôi và cơ chế giáo dục của nước nhà không thực sự gặp nhau. Đó là

lý do lớn nhất mà mỗi lần nghĩ đến chuyện quay về tôi đều cảm thấy khó có thể ổn.

Những cái tôi muốn thực hiện chắc chắn sẽ khó thực hiện, khó phù hợp. Mà khó phù hợp

thì rất dễ làm mất thời gian của cả đôi bên.

Tôi đã từng tự hỏi mình rồi tự trả lời rằng nếu học xong đại học mà về ngay thì chắc chắn

tôi không làm nghiên cứu nhưng nếu tốt nghiệp tiến sĩ mà về thì chắc chắn tôi sẽ theo đuổi

con đường nghiên cứu.

Khi làm tiến sĩ xong, nếu tôi về chắc là dạy học ở một trường đại học nào đó. Con đường

nghiên cứu chắc sẽ khó rộng mở với tôi.

Lương thì như anh cũng biết, mấy triệu một tháng. Muốn sống khỏe, muốn lo được cho gia

đình thì chắc phải dạy thêm, làm thêm một số thứ như các giảng viên khác vẫn làm để kiếm

thêm thu nhập thôi.

Tức là anh sợ mình bị lãng phí nếu quay về?

Lãng phí thì rõ ràng rồi. Vì chúng tôi đã bỏ hết tuổi trẻ ra để học, để đeo đuổi một con

đường và muốn làm những thứ chuyên môn đúng nghĩa nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn

là khó làm được.

Page 7: Ebook du học nên ở hay về

Nhưng còn những lý do khác. Thứ nhất, cuộc sống bên này sẽ tốt hơn cho những ai đã học

xong. Gia đình tôi sẽ sống thoải mái hơn và các con tôi sẽ được hưởng một nền giáo dục

tốt hơn.

Và, điều kiện, môi trường làm việc chắc chắn tốt hơn.

Bên này, tôi không phải lo lắng đến việc phải làm thêm một cái gì đó để sống cả. Làm đúng

công việc của mình có thể sống khỏe, sống yên. Những người có chuyên môn chỉ cần sống

với chuyên môn, không cần phải chạy đua chức tước hay gì cả.

Nên, tôi hoàn toàn hiểu lựa chọn của anh Đăng khi mà từ chối những thứ tưởng như là rất

tốt đẹp mà nhà trường nơi anh ấy giảng dạy, muốn dành cho anh ấy.

Gia đình hạnh phúc của Nguyễn Thành Vinh

Nên nghĩ rộng hơn khái niệm quê hương và cống hiến

Anh có nhắc đến vợ con trong lựa chọn của anh. Phải chăng, lý do ở lại của anh còn là cả

vấn đề an sinh xã hội?

Page 8: Ebook du học nên ở hay về

Tôi phải nghĩ đến con tôi. Về mặt giáo dục, y tế và về mặt tương lai của các con nữa.

Khi người ta đưa ra khái niệm cống hiến cho đất nước, anh thấy thế nào?

Nói chung nơi nào tốt hơn thì cứ thế làm việc thôi vì trong lĩnh vực mà tôi làm việc thì làm

ở đâu cũng là cống hiến. Tôi ở Mỹ hay Úc hay bất cứ nước nào thì cũng đóng góp cho nhân

loại.

Đừng tự bó hẹp không gian sống của mình khi thế giới là của chung và chúng ta có những

người Việt đáng tự hào khi họ thành công ở nước ngoài

Còn ủng hộ cho Việt Nam thì tôi có nhiều cách, không nhất thiết là phải về. Nếu tôi có học

bổng làm Tiến sĩ thì có thể mời sinh viên Việt Nam sang. Nhóm tôi bây giờ cũng có một

sinh viên Việt Nam sang làm Tiến sĩ.

Hay có những dự án liên kết với Việt Nam như dự án với viện khoa học vật liệu chẳng hạn,

chúng tôi vẫn hợp tác tốt.

Còn nếu trở về để làm một người bình thường như bao nhiêu người khác và sự đóng góp

của mình bị giảm thiểu đến mức thấp nhất thì tại sao phải chọn con đường trở về?

Còn nếu ai đó hỏi tôi khái niệm tình yêu quê hương trong sự trở về đó, tôi nói ngắn gọn

thế này: quê hương- yêu thì vẫn yêu nhưng mà công việc và tình yêu quê hương là hai việc

hoàn toàn khác nhau.

Đem vào bàn cân đó còn nhiều thứ để đo đếm.

Bi kịch nhất của những người giỏi chuyên môn là không được làm chuyên môn của mình.

Nhưng ai cũng nghĩ vì chưa được làm nên chưa về thì có cực đoan lắm không anh?

Tôi bắt đầu đi du học 12 năm trước và đi làm ở Đức, rồi về Úc.

Tôi cảm thấy rất thú vị với những nơi tôi đã đi qua, đã từng làm mà cái thú vị đó không

phải ở vị thế của một người tự ti dân tộc mà chiêm ngưỡng cái cao sang nào đó như người

ta hình dung.

Môi trường làm việc, đời sống an sinh, kiến thức xã hội… đều là những cái mới mà tôi

khám phá hàng ngày và nhất là công việc mỗi ngày. Tôi được đam mê, được sáng tạo, được

tuyển lựa những thế hệ sinh viên tiên tiến để truyền thụ.

Những điều này về Việt Nam chắc là khó.

Dĩ nhiên, tôi nhắc lại, mỗi người có một lựa chọn và ai cũng phải sống với lựa chọn đó.

Một khi họ đã lựa chọn thì chẳng thể phán xét đó là sai hay đúng, đáng tiếc hay là không.

Ai ở trong hoàn cảnh của chính họ thì mới có thể hiểu.

Đừng cướp đi nhiệt huyết của những người như anh Đăng

Page 9: Ebook du học nên ở hay về

Vậy, nếu anh là Doãn Minh Đăng, anh sẽ làm gì, lúc này?

Tôi muốn nhấn mạnh ý này, cái đáng tiếc nhất của anh Đăng không phải là trở về hay ở lại

nước ngoài, mà chính là anh đã lựa chọn như thế mà những tác động từ môi trường làm

việc khiến nhiệt huyết biến mất.

Đau hơn, môi trường khiến những người như anh Đăng phải nghi ngờ chính lựa chọn của

họ. Nó chẳng khác gì sự hủy hoại.

Những người đã từ bỏ cơ hội ở nước ngoài quay về nước làm việc, theo tôi, họ rất dũng

cảm. Như anh Đăng, đã không được làm điều mình muốn làm mà dinh vào ba chuyện linh

tinh vớ vẩn, thì mới thực sự lãng phí một con người, một con đường.

Anh có nhận xét gì về chuyện xảy ra với Doãn Minh Đăng không?

Tôi cảm thấy hơi nực cười và vô duyên, vô lý. Từ chuyện nhỏ, như đi một cuộc hội thảo

vài ngày, thì từ một phó khoa bị thôi việc không cho giảng dạy nữa, chuyển qua một phòng

không liên quan đến chuyên môn.

Tôi không tin nổi. Và không hiểu sao trong môi trường đại học thời nay rồi mà còn những

điều như thế.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện

DU HỌC SINH CÓ HOANG TƯỞNG HAY KHÔNG?

Ngày 8/12, trên Facebook cá nhân, CEO Đỗ Hoài Nam- lãnh đạo tiêu biểu về khởi nghiệp

công nghệ cao tại thung lũng Silicon (Mỹ) có bài viết với tựa đề "Các bạn du học sinh

hoang tưởng quá!".

Page 10: Ebook du học nên ở hay về

Đỗ Lâm Hoàng, một thí sinh đạt giải nhất của trò chơi "Đường lên đỉnh Olympia" đã chia

sẻ những lý do anh ở lại Australia sinh sống

Ông Nam nhìn nhận một số du học sinh được giải thưởng trong sân chơi Đường lên đỉnh

Olympia của VTV đã than vãn về việc không về nước vì không được trọng dụng.

Gọi điều này là "hoang tưởng", ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ mình cũng từng là du học sinh

học bổng từ Úc, cũng từng làm rửa bát, bồi bàn ở xứ người trước khi mở công ty "thi đấu

với nhân loại" nên hiểu "cái hay cái dở của các bạn (du học sinh-PV)".

"Nếu các bạn ở lại để chinh phục thế giới thì mình ủng hộ hai tay" - ông Nam nói. Nhưng

nếu chọn cách nhẹ nhàng, dễ dàng và tiện lợi cho bản thân mình thì dư luận không nên

quan tâm.

Với những ngôn từ mạnh, ông Nam nêu quan điểm: Báo chí không nên cổ vũ cho những

"quan điểm lệch lạc" của "các bạn du học sinh".

Bài viết hiện đã có hơn 10.000 lượt thích và gần 1.000 lượt chia sẻ, gần 1.200 bình luận.

Đi hay ở là quyền của mỗi cá nhân

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, không ít người cho rằng lời lẽ của ông Nam quá lên gân, cần

nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, thậm chí có những bài viết phản bác gay gắt.

Facebooker Anh Pham trong một bài vừa chia sẻ trên trang cá nhân của mình cho rằng

chính những quan điểm chỉ trích người trẻ du học không về nước là để cầu an, cầu vinh,

Page 11: Ebook du học nên ở hay về

cầu sang cho bản thân là "cao đạo, ngạo mạn". Bản thân anh luôn ủng hộ việc người trẻ ra

nước ngoài và ở càng lâu càng tốt rồi sau quyết định ở hay về.

Anh cho rằng quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân là chính đáng. Giúp đỡ quê hương cũng

có rất nhiều cách.

Theo anh: "Cho tới khi Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình còn thấp hơn 5.000

USD, nên có chính sách khuyến khích người ta ra nước ngoài học tập và làm mọi việc để

chuẩn bị động lực cho những cú thúc mạnh cần thiết 10 năm sau" và rằng "Không ai hẹp

hòi tranh luận rồi cưỡng ép ai học đại học ở Hà Nội xong phải về quê mà giúp đỡ quê

hương hết cả (..)Các cháu cứ tự nhiên ra đi tìm nơi nào đất lành nhất thì đậu, cứ tự chăm

sóc bản thân cho tốt, ổn rồi thì chăm sóc cho quê hương bản quán".

Không phải là "một người nổi tiếng",chị Phan Tâm chia sẻ ở góc độ cá nhân: "Về hay ở là

quyết định cực kỳ khó khăn, nhất là những người có gia đình, con cái". Chị cho biết, khi

mới sang thì muốn đòi về, nhưng đến khi con đi học thì chị muốn ở lại vì quá hài lòng với

nền giáo dục của nước sở tại. Chị chia sẻ thêm, mình đã từng chứng kiến nhiều gia đình đi

học, đưa con sang cùng, năm đầu tiên xác định về nhưng đến năm thứ 2 trở đi thì cố gắng

xoay xở ở lại.

Lý giải về sự khác biệt trong quan niệm của Facebooker Đỗ Hoài Nam và những quán quân

Olympia, Facebooker Phan Huy Công nhìn nhận:"Trong khi anh Đỗ Hoài Nam nói về môi

trường kinh doanh và Startup thì anh Đỗ Lâm Hoàng nói về môi trường học thuật & nghiện

cứu khoa học. Vì nhìn theo hai hướng khác nhau nên chắc chắn cuộc tranh luận này sẽ còn

kéo dài ... kéo dài ... mãi".

CÁC DU HỌC SINH VIỆT LÊN TIẾNG VỀ CHUYỆN DU HỌC -

Ở HAY VỀ?

Kể từ sau câu chuyện về 13 nhà vô địch Olympia được gửi đi Úc du học, nhưng chỉ có 1

người trở về nước lập nghiệp, topic này đã nhận được rất nhiều những chia sẻ và ý kiến

trái chiều của mỗi người.

Những ngày gần đây, một trong những topic được cộng đồng mạng hăng say thảo luận nhất

chính là: Du học - Nên ở hay nên về. Kể từ sau khi câu chuyện về 13 nhà vô địch Olympia

được gửi đi Úc du học, nhưng chỉ có 1 người trở về nước lập nghiệp xuất hiện trên các

phương tiện truyền thông, topic này đã nhận được rất nhiều những chia sẻ và ý kiến trái

chiều của mỗi người.

Page 12: Ebook du học nên ở hay về

Cộng đồng mạng chia ra làm 2 phe, một phe thông cảm với quyết định ở lại nước sở tại

của các du học sinh, một phe lại cật lực lên tiếng phản đối. Không thể phủ nhận rằng, cuộc

sống tại nước ngoài với những cơ hội hấp dẫn và môi trường làm việc hoàn hảo thật sự là

một viễn cảnh tươi đẹp với bất cứ bạn sinh viên trẻ nào. Nhưng nó cũng tồn tại không kém

những mặt trái khắc nghiệt, mà chắc chắn rằng việc sống và làm việc tại Việt Nam cũng là

một tương lai hứa hẹn không kém nếu so với những khó khăn có thể gặp phải khi làm việc

tại nước ngoài. Vậy, các bạn trẻ đang là du học sinh tại các nước phát triển thật sự nghĩ gì

về việc này? Chúng mình đã phỏng vấn một vài bạn trẻ để biết được suy nghĩ và quan điểm

của các bạn ấy trước quyết định rất trọng đại này.

1. Tốt nghiệp xong, ở hay về?

Thật ra, chuyện đi du học: Ở hay về - là một quyết định đòi hỏi các bạn du học sinh phải

trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Hầu hết đều phải tham khảo ý kiến gia đình, bạn bè và những

người đi trước để có một quyết định đúng đắn nhất. Theo khảo sát của chúng tớ, các bạn

du học sinh đều có mong muốn được làm việc tại nước mình đang du học bởi những cơ

hội đầy hấp dẫn của nước ngoài. Tuy nhiên, các bạn ấy cũng cân nhắc trước môi trường

khắt khe và có tính đào thải, cạnh tranh cao. Chưa kể đến các tác động từ gia đình cũng

ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của mỗi người.

Hằng Lee, sinh năm 1991, hiện đang theo học khóa học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh

quốc tế tại London (trước đó cô bạn này đã tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế khoa

Marketing tại Auckland, New Zealand) cho biết, bạn ấy đã đặt vé máy bay và sẽ trở về

nước ngay sau khi kết thúc khoá học này. Cô nàng chia sẻ: “Thực ra để đi đến được lựa

chọn về nước xây dựng sự nghiệp và sinh sống, cá nhân mình cũng như gia đình và bạn bè

cũng đã tranh cãi/ bàn luận rất nhiều. Mình từng rất muốn định cư lại ở New Zealand sau

đại học, tuy nhiên do bố mẹ không đồng ý nên mình đã định hướng lại. “

Page 13: Ebook du học nên ở hay về
Page 14: Ebook du học nên ở hay về

Hằng Lee: "Mình sẽ về nước ngay sau khi kết thúc khoá học".

Hằng Lee cũng tâm sự về những lý do khiến cô nàng thay đổi quyết định của mình như

vậy: “Thứ nhất, thân là con gái muốn thành đạt ở nước ngoài thì phải bôn ba lăn lộn rất vất

vả. Ngoài việc chi phí ăn tiêu đắt đỏ và môi trường làm việc cạnh tranh, bạn cũng phải đối

mặt với nhiều áp lực về mặt tinh thần nơi đất khách quê người. Thứ hai, gia đình mình rất

thân nhau nên bố mẹ không muốn ở quá xa con cái, vừa là vì tuổi tác/sự nghiệp của bố mẹ

không tiện cho việc di chuyển định cư, mà cũng phần nhiều do trở ngại ngôn ngữ và phong

tục tập quán của văn hóa phương Tây. Tóm lại, ở Việt Nam tuy điều kiện không thể bằng

nước ngoài, nhưng mình có thể sống dư dả thoải mái hơn và chăm sóc phụng dưỡng được

cho bố mẹ.”

Còn Lưu Vi Linh, sinh năm 1993, hiện đang theo học ngành Truyền thông, đại học RMIT,

Australia lại có một sự tính toán kỹ càng hơn, cậu bạn cho biết sẽ ở lại làm việc tại Australia

từ 1 đến 2 năm để lấy kinh nghiệm và học cách làm việc tại đất nước có nền kinh tế mạnh

trên thế giới này, và nếu công việc phù hợp cộng với có một mức lương xứng đáng để sống

xa gia đình, Linh sẽ xem xét đến việc ở lại lâu dài. Linh chia sẻ: “Sống 1 cuộc sống du học

đã khó, sống và làm việc 1 cách ổn định tại đất khách còn khó hơn. Nếu sau một thời gian

mình cảm thấy mình thích nghi tốt và đặc biệt thấy thích công việc, thích cách sinh hoạt

cách sống tại nơi đây thì mình sẽ quyết định ở lại, Còn nếu không, 1 - 2 năm làm việc tại

đây cũng vẫn sẽ đem lại cho mình rất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm làm việc tại 1 môi

trường hàng đầu, sẽ giúp ích rất nhiều khi quay trở lại Việt Nam làm việc.”

Khi được hỏi về vấn đề này, bạn Duy Đức - hay còn biết tới với nickname Aiden Ng,

trưởng nhóm nhảy St.319 - hiện đang là du học sinh tại London - quả quyết: “Chắc chắn

mình sẽ về Việt Nam, vì mình muốn cống hiến cho nước nhà và cùng đóng góp cho nền

âm nhạc nghệ thuật phát triển hơn."

Page 15: Ebook du học nên ở hay về

2. Những trở ngại khi du học sinh quay về Việt Nam làm việc

Nhắc đến lý do khiến nhiều bạn du học sinh quyết định ở lại nước ngoài làm việc, rất nhiều

cư dân mạng đã đưa ra hàng loạt những trở ngại khi làm việc ở môi trường trong nước. Ví

dụ như ngành học khi về nước không được trọng dụng, cơ hội phát triển không nhiều, môi

trường không hấp dẫn cũng như mức thu nhập không cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn

đề này, các bạn du học sinh chúng mình trò chuyện đã có những quan điểm khá lạc quan.

Page 16: Ebook du học nên ở hay về

Hằng Lee khá tự tin cho biết: “Có một điều không thể phủ nhận được là bằng cấp ở nước

ngoài rất có giá trị trong việc tìm kiếm việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là bằng thạc sỹ.

Những năm trở lại đây, trong khi mảng Banking có dấu hiệu đi xuống, thì với tiến độ toàn

cầu hóa, ngành kinh doanh quốc tế đang có xu hướng "hot" lên với nhiều cơ hội phát triển

và mở rộng thị trường ra thế giới.”

Thế nhưng, cô nàng cũng không khỏi lo lắng về những thay đổi đột ngột trong văn hoá làm

việc khi đã đi du học khá lâu và quen với môi trường của nước ngoài. “Nói về những trở

ngại khi về nước, mình đi du học đã được 6 năm thì lần nào về cũng bị “shock văn hoá” và

mất một thời gian để điều chỉnh lại. Từ việc phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt, phương tiện

đi lại, đến cập nhật tin tức trong nước và làm quen với môi trường làm việc hoàn toàn khác

biệt, chưa nói đến khó khăn trong việc chuyển giao toàn bộ khối kiến thức từ Tiếng Anh

sang Tiếng Việt. Tuy nhiên, mình tin rằng những trở ngại này sẽ là đòn bẩy giúp mình

trưởng thành nhanh hơn, mau chóng hòa nhập lại và thành công trong sự nghiệp tại Việt

Nam.”

Bạn Lưu Vi Linh cũng khá tự tin với cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình tại Việt Nam,

Linh chia sẻ: “Ngành học của mình tại Việt Nam là 1 ngành khá mới mẻ song theo như

những gì mình cập nhật thì đây là 1 ngành đang phát triển và rất hứa hẹn trong tương lai.

Truyền thông theo mình thấy thì nó đòi hỏi sự trẻ trung năng động, tìm tòi hiểu biết và sáng

tạo của lớp trẻ, vì vậy mình thấy năng lực của 1 du học sinh được theo học tại một đất nước

có thế mạnh về truyền thông sẽ là rất tốt để bắt đầu làm việc và phát triển ngành này tại

Việt Nam. Rất nhiều điều để học hỏi, áp dụng với nước nhà. Có rất nhiều công ty tư nhân

về truyền thông được mở ra, đem làn sóng mới tới Việt Nam, khác xa với những gì mọi

người hình dung về truyền thông vốn lạc hậu, rập khuôn và nhàm chán.”

Page 17: Ebook du học nên ở hay về

Vi Linh: "Ngành học của mình tại Việt Nam đang phát triển và rất hứa hẹn trong tương

lai"

Khi được hỏi về những lo lắng của mình, Linh thẳng thắn cho biết: “Điều mình thấy trở

ngại nhất có lẽ là tư tưởng và tình trạng không trọng dụng người trẻ người mới . Luôn phải

đứng dưới bóng cấp trên vốn luôn sợ sự thay đổi trong tư duy suy nghĩ, cách quản lí, đường

lối làm việc sẽ luôn là 1 sự kìm hãm khả năng của những người trẻ đầy nhiệt huyết, sáng

tạo và năng động. Kèm theo đó là mức lương không thích ứng với bằng cấp và năng lực

cũng là 1 sự trở ngại và là 1 câu hỏi lớn khiến nhiều du học sinh băn khoăn nên ở lại hay

nên về.”

Còn anh chàng Aiden Ng. cũng khá hào hứng với tương lai của mình tại Việt Nam: “Vì

ngành học của mình là quản lý nên môi trường Việt Nam cũng là nơi làm việc khá tốt cho

mình”.

Page 18: Ebook du học nên ở hay về

“Tuy nhiên, Việt Nam thì hạn chế về trang thiết bị không được hiện đại và tiện dụng, các

thủ tục làm việc khá lâu. Nhưng bù lại, khi học và áp dụng cùng kinh nghiệm thì mình nhận

ra càng khó càng ló cái khôn”. Aiden chia sẻ.

Dễ thấy những băn khoăn của Linh hay Aiden cũng là băn khoăn chung của rất nhiều bạn

trẻ Việt Nam đi du học tại nước ngoài. Khi đang làm việc trong một môi trường mở vô

cùng thoải mái, với những đãi ngộ hấp dẫn cũng như văn hoá làm việc cởi mở, thân thiện

và công bằng thì việc trở về nước và chấp nhận hoà mình vào một văn hoá làm việc khác

có phần khép kín và cổ điển hơn sẽ khiến nhiều bạn e ngại. Chưa kể đến việc, nhiều công

việc đòi hỏi các thiết bị hiện đại, tiên tiến và không phải ở công ty nào tại Việt Nam cũng

đủ để đáp ứng được những đòi hỏi này.

3. Kết

Có thể thấy rõ một điều: Hầu hết các bạn trẻ đi du học đều rất khát khao được trở về và áp

dụng những kiến thức cũng như kinh nghiệm mình đã học được tại nước ngoài để xây dựng

đất nước. Tuy nhiên, có rất nhiều những trở ngại khiến các bạn du học sinh cảm thấy băn

khoăn để đưa ra quyết định cuối cùng là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Thế nhưng, chúng ta

hoàn toàn có thể lạc quan bởi với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, chắc chắn sẽ

có thêm nhiều những cơ hội cũng như môi trường làm việc sẽ ngày càng được nâng cấp,

hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ để các du học sinh có thêm động lực trở lại xây dựng đất

nước.

"DU HỌC XONG, VỀ HAY Ở - ĐÓ KHÔNG PHẢI CHUYỆN

YÊU NƯỚC HAY KHÔNG!"

Nếu bạn về, lương không đủ sống, đến phụ giúp gia đình, chăm lo cho bố mẹ mình chưa

được, thì nghĩ xa xôi gì đến tổ quốc, đến đồng bào đây?

Những ngày qua, khi cư dân mạng nảy sinh những bất đồng xung quanh đề tài “du học

xong, nên ở hay nên về?” – hệ quả từ chính câu chuyện 13 bạn trẻ tài năng của Đường lên

đỉnh Olympia được gửi sang học tập ở Úc và chỉ có một bạn quay trở về Việt Nam, bản

thân tôi cũng muốn nêu lên ý kiến của mình nên quyết định gửi thư cho ban biên tập. Đây

chỉ đơn giản là những quan điểm cá nhân, hi vọng nhận được sự chia sẻ của mọi người.

Page 19: Ebook du học nên ở hay về

Tôi là một người trẻ, và thú thật là chưa bao giờ tự hỏi mình có yêu nước hay không? Đừng

nghĩ tôi không yêu dân tộc, yêu đồng bào, chỉ là tôi nghĩ cái tình yêu đó cũng thân thuộc

như yêu gia đình, yêu những người ruột thịt, phải đặt vào biến cố mới bộc lộ ra. Nên đừng

vội vàng phán một câu “du học xong ở lại là không yêu nước”, kể cả 13 bạn Olympia trên

kia.

Ở lại hay về - quyết định này đôi khi không chỉ là lựa chọn của riêng bản thân người du

học. Câu chuyện này không phải đơn giản cứ muốn là được. Chưa nói đến gia đình, tình

cảm, ràng buộc về mặt tinh thần. Nó còn là cái mục tiêu được thiết lập từ đầu khi bạn xách

vali chào người thân lên đường sang ngoại quốc.

Page 20: Ebook du học nên ở hay về

Bạn được bố mẹ chu cấp tiền hoàn toàn để ra nước ngoài, cũng là du học như ai. Nhưng

chỉ để thỏa mãn cái ước ao “nhà có người đi đây đi đó”, những gì bạn muốn dừng lại ở việc

được đến một nơi khác, gặp được người này người kia, vấn đề học tập không hề bị đè nặng,

thì về hay ở có liên quan đến yêu nước hay không? Bạn lên đường du học, với kế hoạch

định cư luôn ở bên kia. Bạn lên đường du học, để kiếm kiến thức bổ trợ cho ngành mình

theo đuổi, sớm muộn cũng trở về. Mục tiêu mới là điều tiên quyết. Và cái quan trọng không

kém, chính là điều kiện khách quan ở ngay cái môi trường bạn chọn để sinh sống sau này.

Có phù hợp không? Có xác đáng với mục tiêu ban đầu không? Và quan trọng nhất, bạn có

tồn tại được không?

Sống ở một nơi xa lạ hoàn toàn không dễ! Cũng là ăn, là chơi, là ngủ, là học hành cả đấy,

nhưng cái cố gắng chắc chắn phải gấp nhiều lần những người đang ở một nơi gần gũi và

thân thuộc hơn. Phấn đấu để khẳng định mình đã là một vấn đề rồi, mà không phải là trong

một môi trường bình thường, nó là một môi trường tiến bộ hơn, hiện đại hơn, văn minh

hơn. Những người chọn ở lại, có nghĩa là họ dũng cảm đương đầu với những khó khăn và

trở ngại đó. Cũng có thể vì may mắn hơn. Cũng có thể ở đó tốt hơn với họ. Sao những

người ngoài cuộc, phải đưa chuyện về hay ở ra để đánh giá họ như này?

Và những người về Việt Nam, không nói đến chuyện họ yêu tổ quốc hay không, hay quyết

định ngay từ lúc đầu của họ là thế. Nhưng sao không nghĩ đến trường hợp, họ cũng muốn

ở lại, nhưng trình độ không thể đáp ứng, bản thân không đấu tranh được để vươn lên, và

may mắn chưa mỉm cười? Tôi nói thế là để minh chứng cho việc, về hay ở, không phải

chuyện để chúng ta bàn tán, và lại càng không nên đề cập nó cạnh vấn đề tinh thần dân tộc

vốn đã nhạy cảm từ trước đến nay. Đó là cuộc đời họ, có thế thôi!

Page 21: Ebook du học nên ở hay về

Còn chuyện lương thưởng, tài chính, dĩ nhiên rồi, Việt Nam là một nước đang phát triển.

Sẽ có một sự chênh lệnh khá lớn về mọi mặt khi đặt lên cân. Bao nhiêu người trở về nhưng

chỉ đảm đương một công việc “không đúng năng lực”. Không phải vì người ta không giỏi,

chỉ là môi trường chưa lý tưởng để phát triển hết khả năng. Làm một công việc không thỏa

mãn vì lương không cao, rồi cảm thấy bản thân bị dư thừa do không phù hợp với môi

trường hiện tại. Tiền không có. Tâm cũng không yên. Ai sẽ đền bù cho họ đây?

Tôi có anh bạn đi du học ngành “Lý luận mỹ thuật” ở Ý, ngày trở về mang theo bao nhiêu

tham vọng và hoài bão sẽ làm nọ làm kia, gây dựng cái này cái khác. Nhưng chưa đầy một

năm, bạn tôi vỡ mộng vì không thể chạy theo nghệ thuật ở một xã hội chưa coi trọng đầu

tư và thực sự cởi mở với nghề. Thế là tan tành ước vọng! Giờ, nó đi dạy vẽ ở trung tâm,

thì thoảng làm gia sư cho những người đi làm cần học tiếng gấp. Thu nhập cũng “nghệ

thuật” theo, bố mẹ cũng đành chấp nhận thằng con trai du học về nhưng lương còn không

bằng những người học hành trong nước. Đến phụ giúp gia đình, chăm lo cho bố mẹ mình

chưa được, thì nghĩ xa xôi gì đến tổ quốc, đến đồng bào đây?

Page 22: Ebook du học nên ở hay về

VÌ SAO 'NHÂN TÀI' VIỆT DU HỌC KHÔNG VỀ?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa mới đây được báo Tuổi Trẻ dẫn lại câu hỏi: "vì sao

13 cháu đi du học, 12 cháu không về?" khi nói về sinh viên Việt đi du học.

Cùng thời điểm đó, tại Đà Nẵng, Trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao đã kiện chín

học viên để đòi lại tiền đã tài trợ, vì sau khi du học không quay về làm việc như cam kết.

BBC Tiếng Việt đã phỏng vấn Giáo sư Dương Nguyên Vũ – Viện trưởng Viện John von

Neumann – Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề của du học sinh

khi quyết định “về hay ở”.

BBC: Theo ông, những người đã đi du học, trước quyết định về Việt Nam, họ mong đợi

điều gì?

GS. Dương Nguyên Vũ: Với những du học sinh đi thời gian ngắn như hai năm thì môi

trường không phải chuyện rất quan trọng. Trong hai năm họ tiếp cận với môi trường khác,

họ sẽ hiểu môi trường ở Việt Nam đang cần, thiếu những gì thì các bạn khi trở về có thể

làm môi trường ở đây tốt hơn.

Những bạn đi lâu hơn nhiều sau đại học như làm tiến sỹ thì phải đi bốn, sáu thậm chí bảy

năm. Khi về chắc chắn họ có sự bỡ ngỡ. Sự bỡ ngỡ này ở trong đầu của mình, mình vẫn có

thể thay đổi nó được.

Tuy nhiên, khi sống thời gian lâu trong môi trường điều kiện tốt hơn thì khi về họ có so

sánh và họ vẫn chưa sẵn sàng để nghĩ đến những gì lớn hơn bản thân họ để chấp nhận điều

kiện khó hơn.

Họ bắt đầu có suy nghĩ tôi nên ở lại hay đi về?

Ở lại thì môi trường làm việc tốt hơn, điều kiện công việc chuyên môn tốt hơn, điều kiện

sống cho gia đình tốt hơn, đã đi học bốn đến sáu năm thì thường họ đã có gia đình và con

cái.

Page 23: Ebook du học nên ở hay về

Giáo sư Dương Nguyên Vũ

Là con người, lúc nào cũng thích điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống và gia đình. Và họ quyết

định ở lại. Đó không phải là lỗi duy nhất của họ.

Nếu chúng ta muốn họ về nước thì phải làm môi trường sẵn sàng cho họ, giúp họ thấy được

sự khác biệt không nhiều lắm thì họ vẫn sẽ trở về.

BBC: Vậy một số yếu tố khiến họ không muốn quay về sau khi đi học là gì?

GS. Dương Nguyên Vũ: Trước khi tôi về Việt Nam, một trong những mục tiêu mà Đại Học

Quốc Gia mong muốn chúng tôi làm là thu hút nhân tài ở nước ngoài về Việt Nam.

Do đó, chúng tôi làm một khảo sát với một số đông các nhà khoa học trẻ sau đại học ở các

nước. Hơn 500 người tham dự. Kết quả khá thú vị:

86% họ đồng ý rằng điểm quan trọng nhất là môi trường làm việc. Tôi xin nhấn mạnh môi

trường không phải là cơ sở vật chất mà là không gian gồm cơ sở vật chất, con người cũng

như cách sinh hoạt.

Nếu như môi trường tiệm cận được với môi trường quốc tế thì họ sẵn sàng về.

Điểm thứ hai là công việc làm và sự thích thú trong việc làm, môi trường để thăng tiến, đề

tài hấp dẫn, vấn đề thách thức và họ có thể giải quyết. Đó cũng là yếu tố giúp họ trở về.

Page 24: Ebook du học nên ở hay về

Điểm thứ ba là tài chánh, trước kia tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất nhưng thực ra nó

chỉ nằm thứ ba thôi. Nếu họ có một cuộc sống tương đối ổn định một chút, không phải

chạy gạo, chạy cơm hàng ngày và không có lương thấp lắm.

Lúc đó tôi khảo sát là năm 2008, với mức lương 1.000 USD có đến 60% đang học và làm

ở nước ngoài sẵn sàng về nước.

Điểm thứ tư là khá quan trọng, xảy ra với một số học trò của tôi đã chọn làm ở nước ngoài,

đó là vì cuộc sống gia đình nhiều hơn. Ở tuổi của họ 28 - 30, bắt đầu có gia đình và con

cái.

Khi có con cái họ có băn khoăn nuôi con, học hành thế nào. Đứa con trở thành trọng tâm

tư duy của họ và trọng tâm của tất cả quyết định gia đình. Họ quyết định ở lại là vì con cái

nhiều hơn bản thân họ.

Đó là những lý do tôi thấy đóng góp vào quyết định về hay ở của bạn trẻ.

Cam kết trở về là ''danh dự''

Trong một ngày tốt nghiệp của sinh viên tại Hà Nội

BBC: Vậy với những người học quay trở về, vậy lý do họ quay về là gì?

GS. Dương Nguyên Vũ: Trong những người tôi gặp, họ đi về vì ước mơ đóng góp cho sự

phát triển của Việt Nam, ước mơ thay đổi Việt Nam. Các bạn này ít bị nặng nợ gia đình,

họ có quyết định tương đối thoải mái. Một số các bạn có gia đình nhưng chưa có con.

Page 25: Ebook du học nên ở hay về

Một số có con nhưng theo chương trình học bổng phải về nước làm hai năm nên họ về.

Nhưng sau khi về rồi lại không muốn đi nữa.

Nói đơn giản, thì những bạn về họ có sự hi sinh những điều đó để được cái lớn hơn, ví dụ

họ khởi nghiệp, họ có một giấc mơ có ý nghĩa, có ảnh hưởng lớn hơn đến xã hội.

BBC: Còn những sinh viên học các ngành công nghệ cao, có lối ra nào cho họ nếu quay về

không?

GS. Dương Nguyên Vũ: Hiện giờ Việt Nam chưa đủ môi trường khoa học để học phát huy

được tiềm năng. Một bạn vừa xong tiến sĩ, vừa học xong ở mức độ có thể làm được điều

thú vị trong khoa học, ở lửa tuổi 28 - 35, giấc mơ vẫn còn là làm việc, khẳng định lại vị trí

bản thân trong cộng đồng khoa học.

Khi về Việt Nam nếu không đủ môi trường phát triển như những lĩnh vực đòi hỏi đầu tư

cơ sở vật chất kỹ thuật cao, thì họ sẽ phân vân.

Tôi có một cậu sinh viên rất mong mỏi về nước, nhưng đến khi xong tiến sỹ rồi thì đam

mê nghiên cứu khoa học lớn hơn quyết định ban đầu là về Việt Nam. Bạn chọn ở lại để

tiếp tục làm khoa học.

Sau kỳ thi đại học trong nước, nhiều sinh viên Việt kỳ vọng tìm kiếm cơ hội du học

BBC: Ông có từng tiếp xúc với các sinh viên đi theo học bổng nhà nước, có cam kết trở về

sau hai đến bốn năm không?

Page 26: Ebook du học nên ở hay về

GS. Dương Nguyên Vũ: Tôi từng gặp các bạn theo chương trình 322, sau này gọi là 911

(Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ - PV).

Có bạn theo đề án 322, sau đó qua bên kia và lập gia đình với học trò của tôi theo học bổng

của Pháp.

Tôi có gặp và nói chuyện với họ. Một số người lập gia đình, có con cũng khiến quyết định

trở về khó khăn.

Nhưng tôi nghĩ khi mình quyết định đi theo học bổng nhà nước, mình ký hợp đồng, trong

đó mình có được sự tài trợ và cam kết trở về làm việc. Theo tôi nghĩ đó là danh dự của lời

nói. Mình phải tôn trọng danh dự và lời nói của mình.

Chúng ta phải giữ lời. Quyết định lập gia đình, sống bên kia sống... cũng cần đem ra suy

nghĩ trước khi đi học. Đơn giản là một con người phải tôn trọng lời nói đầu tiên, đó là danh

dự.

Nếu ta không tôn trọng được danh dự của mình, thì chúng ta không thành việc gì cả.

DU HỌC SINH VỀ HAY Ở: CHUYỆN CÁ NHÂN HAY VIỆC

CẦN CHỈNH ĐỐN?

Cuộc tranh luận du học sinh, đặc biệt là du học theo diện học bổng ngân sách của Nhà

nước, phải về nước hay ở lại nước ngoài - được xem là cuộc tranh luận kéo dài và khó đi

đến hồi kết.

Quay về thì phải chấp nhận...

Độc giả Võ Viết Lập đặt một loạt câu hỏi “Đi học bằng ngân sách Nhà nước, về nước từ

chối bổ nhiệm làm lãnh đạo, chỉ muốn làm theo sở thích của mình, thế mà vẫn được khen

ngợi là sao? Chẳng lẽ vị trí lãnh đạo chỉ dành cho những người kém, còn người giỏi không

thấy trách nhiệm của mình?

Nếu các bạn là lao động tự do, tức là không bị ràng buộc về đào tạo, cống hiến, các bạn

muốn làm gì thì làm, việc không phù hợp thì thôi. Còn đã chấp nhận sử dụng tiền của nhà

nước, thì phải theo bổ nhiệm của cấp trên. Đưa người giỏi lên làm lãnh đạo chẳng lẽ là sai?

Ai cũng như thê, chỉ thích làm khoa học thì ai sẽ làm lãnh đạo?”.

Facebooker Vu Hong Thao cho rằng “Đã chấp nhận quay về thì du học sinh phải chấp nhận

cái thực tế là nước mình chưa bằng được nước người ta, Và mình về để mà đóng góp cho

sự phát triển của quê hương. Còn anh quay về mà cứ mang tư tưởng "trên cơ", ban phát ân

huệ cho "dân đen" thì bất mãn là đương nhiên”.

Page 27: Ebook du học nên ở hay về

Độc giả Nguyễn Lam thì nhìn nhận quan điểm đi được là cứ đi, đừng về là của nhiều người,

mà “Lỗi không chỉ của người làm chính sách mà ở cả chính lối sống nhiều tật xấu của

người Việt."

"Song, thấy dở thì đi, thấy hay thì về, chỉ biết chờ đồng nghĩa là kẻ cơ hội” – độc giả này

nhận xét.

Chuyện đâu chỉ mỗi Việt Nam?

Không ít những người đã đứng trước lựa chọn về hay ở, hay về rồi lại đi tiếp, lên tiếng chia

sẻ câu chuyện của bản thân.

Một cựu du học sinh đã từng trở về Việt Nam kể chuyện: “Mình về Việt Nam xin việc ở

viện nghiên cứu, lương ngày xưa là 700.000 đồng. Cô phụ trách ở đó bảo mình là cô bảo

gì thì cháu làm nấy, cháu cũng không được hỏi là dự án này đang làm về cái gì, cứ làm rồi

đưa cô kết quả...

Sang một viện khác, chú phụ trách bảo cháu cứ ở đây, sáng đến quét phòng chuẩn bị trà,

đến trưa thì thường các chú sẽ đi ăn trưa sớm, trong tuần có buổi nào đó các chú sẽ về sớm

đánh tennis... Xin vào 3 viện thì 3 viện đều có tác phong như vậy. Mình có người quen nên

đến đưa hồ sơ cho các cô chú các cô chú cũng cởi mở nói thẳng thắn thế đấy.

Nói chung sau này là mình lại rời Việt Nam”.

Bạn có nickname Metincoi thì nhận xét: “Chuyện chọn nơi làm việc có khả năng phát huy

bản thân đâu chỉ xảy ra ở Việt Nam: dân châu Âu sang Mỹ, Nhật làm việc đầy, ngược lại

dân Mỹ sang Âu, Á làm việc cũng khối.

Có người chọn cách sống dễ dàng, thoải mái về vật chất, người thích sống khó khăn, thử

thách. Mục đích cuộc đời cũng chẳng ai giống ai”.

Bạn Honey.Bee cũng nhận xét: “Về nước làm việc hay ở nước ngoài, cái này - khoan nói

tới chính sách vĩ mô to tát gì đó - thì phần lớn là do cách nhìn, cách nghĩ và cách quyết

định của cá nhân từng người.

Hầu hết những du học sinh băn khoăn đi hay ở đều là người đã từng ở trong nước, sau đó

ra ngoài học tập công tác một thời gian rồi quay về. Vì thế đừng bao biện là "Tôi không

thể tưởng tượng được rằng nó lại như thế..."!”.

Đồng tình với cách nhìn nhận này, độc giả Phan Hà An nêu ví dụ “Rất nhiều người giỏi đã

và vẫn đang làm việc ở Việt Nam bình thường, họ cũng bận rộn và chẳng có thời gian lên

mạng thanh minh vì sao họ về. Một trường hợp điển hình là GS Phan Thanh Sơn Nam sinh

năm 77, GS Hiếu ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hay rất nhiều người trẻ cỡ 35 – 36 tuổi

đều học ở Âu, Mỹ về nước làm việc có nhiều công trình công bố từ Việt Nam. Họ không

những giỏi mà còn thích nghi tốt, không tiêu cực với thời cuộc”.

Page 28: Ebook du học nên ở hay về

Trên một diễn đàn mạng, với chủ đề về - ở, một thành viên có nickname là Aika cho biết

“Mình cũng là người chọn ở lại”. Theo bạn này, “Thật ra lúc trẻ mình chẳng có suy tư

chuyện về ở nhiều lắm. Cứ chọn làm những thứ mình thích ngoảnh đi ngoảnh lại thì ở Nhật

quá lâu để không muốn rời khỏi nó, nhất là khi có con thì mình mới nghĩ nhiều hơn về

những thứ thực tế liên quan đến con.

Người về hay ở thật ra ai cũng cân nhắc, đắn đo nhiều lắm rồi. Suy cho cùng ai cũng sẽ

chọn, quyết cái mà họ cảm thấy tốt nhất cho họ ở mỗi thời điểm lựa chọn. Mình không

đánh giá ai cả, vì không có chuẩn và công thức chung nào để đúng cho tất cả mọi người,

nhất là không có cái thước đo nào có thể đo được lòng yêu nước, chí cống hiến của người

ta cả.

Nên ai chọn như thế nào thì cứ cố gắng hết sức làm bằng cả nhiệt huyết thì mình đánh giá

cao hết”.

Các du học sinh sẽ chọn, quyết cái mà họ cảm thấy tốt nhất cho

mình ở mỗi thời điểm lựa chọn.

“Tiên vị kỷ”, và nhớ rằng còn món nợ

Không quá cực đoan với chuyện ở hay về, một độc giả nhắn nhủ: “Tại sao cứ phải băn

khoăn đi hay ở nhỉ? Các bạn thấy chỗ nào hợp và phát huy được tài năng của mình thì ở

lại làm việc, khi đó bạn sẽ cống hiến được nhiều nhất cho xã hội và cho mình. Và bạn hãy

vững mạnh lên, bạn kém là bạn sa lầy đấy, bạn có vững mạnh thì bạn mới có cơ hội giúp

đỡ người khác. Và lúc đó thì bạn hãy nghĩ về cố hương của bạn trước nhé... Thế thôi, đơn

giản vô cùng”.

Page 29: Ebook du học nên ở hay về

Bạn Moonandsun84 nêu quan điểm: “Theo mình, nếu em nào có tài, nhà có điều kiện đi

học bằng tiền của mình thì về hay ở tùy tâm của em. Nếu em tài, em không có điều kiện

nhưng tìm được học bổng nước ngoài rồi đi học thì về hay ở tùy thích của em. Nếu em tài,

em đi bằng học bổng Nhà nước thì đi hay ở tùy đạo đức của em, ở lại nhớ trả tiền là được.

Mỗi người đều có sự lựa chọn của bản thân miễn không vi phạm đạo đức, pháp luật thì chả

ai có thể lên án hay phán xét được, bởi mình cũng chẳng thể đảm bảo lo được cho người

khác trong khi bản thân còn lo chưa xong. Đừng bắt người khác phải hy sinh hay làm như

cách mình mong muốn trong khi bản thân chưa từng trong hoàn cảnh như thế”.

Cũng trên một diễn đàn mạng, một thành viên có nick là fassy bày tỏ: “Tôi mong các bạn

đi học bằng học bổng Nhà nước, hãy cố gắng học hành nghiên cứu, có nhiều kết quả tốt để

có cơ hội việc làm, sau đó ở lại các nước phát triển, học hành nghiên cứu tiếp. Nếu trở về

thì cố gắng làm nơi có đất dụng võ, có nơi học hỏi và thu nhập đủ sống.

Đừng bao giờ để người khác làm ảnh hưởng tới quyết định về tương lai nghề nghiệp và

cuộc sống của các bạn...

Chỉ cần nhớ rằng Việt Nam luôn là quê hương của các bạn, các bạn còn món nợ với đất

nước và tri thức của các bạn chính là vốn quý của đất nước sau này. Luôn nhớ như vậy là

đủ”.

Tất cả bài viết được sưu tầm từ các nguồn: kenh14.vn, dantri.com.vn, bbc.com